Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS, TS Nguyễn Đức Thành, đại diện cơ quan điều phối Liên minh Nông nghiệp, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho hay: "Đổi mới chuỗi cung ứng bằng cách áp dụng khoa học công nghệ hiện đại là một hướng đi mới giúp doanh nghiệp trao đổi hiệu quả hơn với khách hàng, sản phẩm nông nghiệp làm ra đáp ứng được yêu cầu của thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tuy hướng đi này đã bước đầu được tiếp cận ở Việt Nam, song làm thế nào để nông nghiệp 4.0 phát triển hiệu quả, phù hợp, đem lại lợi ích nhiều nhất cho người nông dân và doanh nghiệp vẫn còn là câu hỏi chính sách lớn".
Cùng đề cập đến chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam, TS Đào Thế Anh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp – nông thôn Việt Nam (Phano) cho biết, trong những năm gần đây đã có sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống bán lẻ thực phẩm hiện đại với xu hướng thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ chợ truyền thống sang mua bán lẻ hiện đại với tỷ lệ các siêu thị, minimart, cửa hàng tiện lợi ngày càng tăng tại các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, tình hình phát triển chuỗi giá trị nông sản trong nước cũng đang có chiều hướng thay đổi tích cực. Nếu như năm 2014, cả nước chỉ có 48/63 tỉnh, thành triển khai chuỗi liên kết với con số thành công chưa nhiều thì đến hết năm 2017, đã có gần 700 chuỗi liên kết giá trị nông sản an toàn với khoảng 50% trong số này hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong chuỗi nông sản Việt Nam. Đó là chi phí đầu vào quá cao do lạm dụng phân bón, nước và thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, chất lượng hiệu quả sản xuất thấp do sản xuất manh mún, quy trình kỹ thuật sai, chất lượng không đồng đều; chi phí sau thu hoạch cao do giao dịch qua nhiều khâu trung gian, thiếu kho chứa đảm bảo tiêu chuẩn và vận chuyển đóng gói còn kém.
Chia sẻ thêm, TS Nguyễn Đức Thành cho biết, mặc dù đã có những chính sách của nhà nước hướng tới việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị như các quyết định 62, quyết định 210; quyết định 889…Nhưng khó khăn lớn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là lựa chọn được doanh nghiệp đầu tàu, nhất là các doanh nghiệp dám đồng hành cùng nông dân nghèo, sản xuất nhỏ ở vùng sâu, vùng xa. Đó là chưa kể, nhận thức của người dân về vấn đề tổ chức sản xuất, cùng nhau xây dựng kế hoạch và kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với đối tác còn rất hạn chế.
Với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam nhằm cải thiện tiếp cận thị trường, giảm tình trạng “giải cứu nông sản” khi nguồn cung dư thừa, vượt quá nhu cầu; tăng giá trị của từng giai đoạn từ sản xuất – chế biến – kho bãi – vận chuyển – phân phối, TS Nguyễn Đức Thành góp ý, thời gian tới, cần cải cách mạnh mẽ các Hiệp hội, ngành hàng để tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi. Song song đó, cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để các bên có điều kiện áp dụng công nghệ quản trị hiện đại từ truy xuất nguồn gốc cho đến quản lý chuỗi, chuỗi đông lạnh, xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu và hệ thống chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm.
Để khác phụ những hạn chế kể trên, đại diện một doanh nghiệp đi trước ứng dụng công nghệ vào đổi mới chuỗi cung ứng nông nghiệp, ông Vũ Trường Ca, nhà sáng lập công ty cổ phần công nghệ Lina Network khẳng định, công nghệ blockchain có thể giải quyết vấn đề minh bạch thông tin trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, quản lý chuỗi.
"Khi áp dụng công nghệ Blockchain trong chuỗi cung ứng thì khách hàng có thể cập nhật ngay các thông tin liên quan đến sản phẩm. Chi phí truy xuất nguồn gốc cũng giảm rất mạnh, thậm chí có thể là 0 đồng. Bởi lẽ chi phí cho bộ giải pháp này không tăng theo số lượng đơn vị sử dụng", ông Ca chia sẻ.