Ứng biến với nguy cơ lạm phát tăng

Ứng biến với nguy cơ lạm phát tăng

(ĐTCK) Lạm phát 6 tháng đầu năm 2016 vẫn được kiểm soát, nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ tăng cao do nhiều yếu tố, đặc biệt là giá cả đầu vào và khả năng tổng cầu tăng sẽ gây áp lực lên lạm phát trong thời gian tới. 

Báo cáo của Chính phủ trước Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây đưa ra dự báo, lạm phát năm nay có thể vượt mục tiêu 5% đề ra.

Về phía các nhà nghiên cứu, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, nguy cơ lạm phát tăng trở lại là rất lớn khi giá dầu và hàng hoá cơ bản khác đã thoát khỏi đáy và đang trong xu hướng tăng trở lại. Đây có thể là nhân tố ảnh hưởng chính tới chỉ số giá tiêu dùng trong nước 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, giá điện có thể chưa tăng, nhưng những dịch vụ khác như y tế, giáo dục nhiều khả năng sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ lên lạm phát.

Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 vừa công bố, VEPR đặc biệt lưu ý xu hướng lạm phát liên tục tăng mạnh trở lại trong 3 tháng gần đây. Theo nhận định của VEPR, lạm phát trong nước theo tháng tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây, chủ yếu đóng góp bởi nhóm các mặt hàng liên quan tới năng lượng.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, ngoài các nguyên nhân cơ bản đã được chỉ ra khiến CPI theo tháng tăng cao trong 6 tháng năm, thì còn một nguyên nhân quan trọng khác là tình hình bội chi ngân sách khá căng thẳng và khả năng tăng lãi suất sắp tới. Bội chi ngân sách nhà nước lên tới gần 80.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm là một nhân tố làm gia tăng sức ép lên lạm phát. Cùng với đó, ông Long cho rằng, sự cố xả thải của Fomusa gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường 4 tỉnh miền Trung, thiệt hại về kinh tế cũng sẽ có tác động kéo lùi tăng trưởng và tác động đáng kể tới chỉ số lạm phát từ nay tới cuối năm.

TS. Lê Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương thì cho rằng, khả năng tác động làm tăng CPI có thể đến từ áp lực tăng trưởng tín dụng, diễn biến phức tạp của tỷ giá do tác động từ các yếu tố trong và ngoài nước, cùng với hiệu ứng của việc tăng cung tiền.

"CPI 6 tháng cuối năm rất có khả năng sẽ tăng cao hơn nửa đầu năm, bởi xu hướng tăng giá cả hàng hóa thế giới là khá rõ ràng cũng như việc điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý là đã theo lộ trình. Với xu thế này, khả năng CPI cả năm 2016 sẽ ở mức 5 - 5,5%”, ông Phương đánh giá.

Làm thế nào để ứng phó với nguy cơ lạm phát tăng trở lại là vấn đề cần sự hợp sức xử lý của nhiều bộ, ngành bằng những chính sách vĩ mô cụ thể. Với nhà đầu tư chứng khoán, trước nguy cơ lạm phát tăng trở lại, đầu tư thế nào để an toàn và có lãi là nỗi lo thiết thực hơn.

Nhiều công ty chứng khoán lớn nghiêng về nhận định, kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ sáng hơn, nhưng đều khuyên nhà đầu tư nên thận trọng, chọn đầu tư vào doanh nghiệp có các yếu tố cơ bản tốt và có định hướng phát triển bền vững. Sau giai đoạn TTCK tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế (6 tháng đầu năm nay, trong khi GDP tăng trưởng 5,52% thì chỉ số chứng khoán tăng 9,19%), cẩn trọng với khả năng TTCK làm đúng vai trò “phong vũ biểu” của nền kinh tế là không thừa!

Tin bài liên quan