Điện gió ngoài khơi Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Theo nhóm chuyên gia UNDP Việt Nam, ngành điện gió ngoài khơi Việt Nam đang đối mặt với thực trạng phát triển còn rất khiêm tốn cả về số lượng lẫn quy mô dự án, đóng góp cho tổng sản phẩm nội địa (GDP) và thu nhập quốc dân (GNI) không đáng kể.
Giai đoạn 2010 - 2019, phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng cả về số lượng lẫn quy mô dự án. Mặc dù đã có đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi đến 2030 (quy hoạch điện VIII) nhưng với công suất chỉ 2.000 MW là chưa tương xứng.
Dựa trên tình hình thực tế, nhóm chuyên gia UNDP Việt Nam đã đưa ra dự báo về 2 kịch bản phát triển với ngành điện gió ngoài khơi.
Kịch bản thông thường là đến năm 2030, tổng cộng suất lắp đặt sẽ đạt 7.000 MW. Trong đó, khu vực ven bờ lắp đặt khoảng 4.000 MW và ngoài khơi xa bờ đạt khoảng 3.000 MW. Các dự án sẽ cung cấp khoảng gần 26 tỷ kWh, đáp ứng khoảng gần 5,5% tổng nhu cầu điện thương phẩm quốc gia vào năm 2030.
Kịch bản thứ 2 là kịch bản bền vững, theo đó đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt sẽ đạt khoảng 10.000 MW. Trong đó, khu vực ven bờ 4.500 MW và ngoài khơi xa bờ 5.500 MW. Các dự án sẽ cung cấp khoảng gần 40 tỷ kWh, đáp ứng khoảng gần 8% tổng nhu cầu điện thương phẩm quốc gia vào năm 2030. Tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính năm 2030 trên 40 triệu tấn CO2eq.
Nhóm chuyên gia UNDP Việt Nam đề xuất, cần sớm hoạch định được lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi, tích hợp quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với quy hoạch sử dụng không gian biển và sử dụng đất. Cùng với đó là việc hoạch định và xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho nguồn điện gió ngoài khơi phù hợp lộ trình và quy hoạch. Cuối cùng là xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư, từng bước hình thành ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi cung ứng nội địa.