“Ôm” ngân hàng bằng kỳ hạn dài
Trong những ngày qua, có ba ngân hàng giảm sốc lãi suất xuống 6% và 5%/năm. Đó là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt
Hiện tại, thị trường đang “nín thở” chờ các ngân hàng khác tham gia làn sóng giảm lãi suất.
Nhiều người hưởng ứng đợt giảm lãi suất tiềm năng này nhưng TS Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietPost Bank lại lo ngại nếu cứ tiếp tục giảm lãi suất, hệ thống ngân hàng có thể rơi vào “bẫy thanh khoản”.
Ông Hưởng còn cho rằng, tình hình có thể trở nên rất nghiêm trọng vì người dân ồ ạt rút tiền đầu tư vào các kênh khác, trong đó có USD.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, hầu hết những người được hỏi đều lựa chọn ngân hàng làm điểm đến cho khoản tiền của mình ngay cả khi lãi suất giảm.
Chị Bùi Thị Việt Hà (Nghĩa Dũng - Hà Nội) chia sẻ khi lãi suất hạ xuống 6%/năm, chị hơi giật mình một chút. Tuy nhiên với chị 6%/năm dù có thấp nhưng vẫn không phải là con số quá nhỏ khi chị “chẳng mất tí chất xám nào, chỉ cần gửi vào ngân hàng, ăn no ngủ kĩ và lấy lãi về”.
Chị phân tích: “Người ta kinh doanh, chật vật lắm tỷ suất lợi nhuận mới được khoảng 20%. Sau khi trừ đi bao khoản chi phí, lợi nhuận thậm chí còn thấp hơn rất nhiều. Họ vất vả như vậy mà tiền thu về chỉ hơn mình gửi ngân hàng một chút nên tôi cũng không đòi hỏi quá nhiều vào lãi suất”.
Lãi suất giảm, nhiều người vẫn muốn gửi tiết kiệm
Tuy nhiên, dù quyết tâm gửi tiền ngân hàng, chị vẫn tối đa hóa lợi nhuận bằng cách chuyển từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài.
“Tôi có mấy sổ tại Agribank kỳ hạn 1 tháng. Bây giờ lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 5% nên tôi tính khi nào sổ đáo hạn, tôi sẽ chuyển sang kỳ hạn dài hơn. Chỉ cần gửi 2 tháng tôi đã nhận được lãi suất 7%/năm. Muốn lãi suất 9%/năm tôi sẽ gửi 1 năm.
Tôi đang cân nhắc nhưng thiên về xu hướng gửi 1 năm vì gia đình tôi không có nhiều việc phải chi tiêu trong thời gian tới”, chị Việt Hà cho biết.
Anh Nguyễn Văn Toản (Nghĩa Đô - Hà Nội) cũng xem ngân hàng là điểm đến lý tưởng nhất cho tiền. Anh cho biết, sau nhiều lần kinh doanh như mở nhà hàng, bán quần áo, kinh doanh chứng khoán thất bại, anh quyết định “ăn chắc mặc bền” khi gửi tiết kiệm.
“Tôi có sổ tiết kiệm tại Techcombank. Hiện tại ngân hàng này duy trì lãi suất kỳ hạn ngắn ở mức 7,15%/năm. Nếu lãi suất tại các kỳ hạn này giảm, tôi sẽ gửi dài hạn để có lãi cao hơn” - Anh Toản khẳng định.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Ninh) quyết liệt hơn khi khẳng định dù lãi suất chỉ còn 1%, chị vẫn gửi ngân hàng vì không có nhu cầu sinh lời nhiều. Chị chỉ muốn ngân hàng giữ hộ tiền. Lúc nào chị cũng gửi tiết kiệm ở cả kỳ hạn ngắn và dài.
Với kỳ hạn dài, tiết kiệm chỉ là tiết kiệm. Còn với kỳ hạn ngắn, chị gửi tiền để vừa sinh lời, vừa có thể rút ra lúc cần thiết. Tuy nhiên, lãi suất huy động giảm, chị cân đối lại các sổ theo hướng tăng tiền vào các kỳ hạn dài.
Bất động sản không đủ tiền; vàng, chứng khoán không đủ gan
Có nhiều lý do để nhiều người “bám trụ” với ngân hàng dù lãi suất giảm. Chị Việt Hà, vốn là nhà đầu tư chứng khoán cho biết hiện tại chị vẫn xem gửi tiết kiệm là kênh đầu tư hiệu quả nhất vì chứng khoán đang ở mức cao. Chị đánh gia tham gia thị trường chứng khoán thời điểm này rất mạo hiểm.
Trong khi đó, thị trường vàng vẫn chứa đựng khá nhiều rủi ro. Rủi ro đầu tiên là mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quá lớn, lên tới 4,5 triệu đồng. Hơn nữa, giá vàng thế giới biến động rất mạnh do chịu tác động bởi địa chính trị, kinh tế, xã hội bất ổn nên rủi ro nắm giữ vàng càng cao hơn.
Với chị, ngoại tệ không phải là kênh hấp dẫn vì tỷ giá tương đối ổn định. Còn với bất động sản, chị tin rằng giá nhà đất có thể giảm nữa nên mua thời điểm này cũng không phải hiệu quả. Chính vì vậy, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đảm bảo mang lại lợi nhuận mà không “đau đầu”.
Anh Toản cũng chia sẻ quan điểm “tránh xa” vàng, ngoại tệ, chứng khoán của mình. Theo anh, hiện có hai kênh đầu tư lý tưởng là bất động sản và gửi tiết kiệm. Nhưng không phải ai cũng có tiền tỷ để mua nhà đất nên cuối cùng họ vẫn chọn gửi tiết kiệm. Vì thế anh khẳng định, anh và nhiều người khác sẽ không chê lãi suất thấp.
Chị Thu Hà cho biết, chị không am hiểu nhiều về các kênh đầu tư mà chỉ biết tơi vàng và tiết kiệm.
Theo chị, nhiều người sai lầm khi cho rằng vàng có tỷ suất sinh lời cao hơn tiết kiệm. Chị dẫn chứng cụ thể, chị và mẹ chị mua vàng và gửi tiết kiệm cùng một thời điểm cách đây 4 năm. Tới hiện tại, lợi nhuận mà hai người nhận được tương đương nhau.
“Mẹ tôi có lúc tưởng sắp thành… đại gia vì vàng tăng mạnh nhưng có lúc mất ăn mất ngủ vì sợ mất trắng. Trong khi đó, tôi chẳng lo lắng gì và vẫn nhận lãi đều đều” - Chị Hà hài hước.
Chị Hà cũng muốn mua nhà để không phải đi thuê nữa nhưng hiện tại số tiền chị tích cóp chưa đủ 2/3 căn hộ nên chị quyết định gửi tiết kiệm dài hạn chờ tới khi đủ tiền sẽ mua nhà.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng đề phòng với vàng. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng khuyên người dân không nên mua bán vàng vật chất thời điểm này vì giá vàng biến động, rủi ro khó lường.
Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị NHTM cổ phần Bưu điện Liên Việt cũng chung quan điểm khi nói: “Có tiền lúc này chắc bạn sẽ không mua vàng, tôi cũng thế”.