Phố Wall có phiên giao dịch đầy biến động với phiên điều trần của Chủ tịch FED - Ảnh: Reuters

Phố Wall có phiên giao dịch đầy biến động với phiên điều trần của Chủ tịch FED - Ảnh: Reuters

Ukraine tạm lắng, chứng khoán phục hồi, vàng lao dốc

(ĐTCK) Căng thẳng ở Ukraine tạm lắng, trong khi Chủ tịch FED cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế giúp chứng khoán phục hồi mạnh mẽ, trong khi vàng mất điểm tựa và lao dốc mạnh.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, năng suất phi nông nghiệp Mỹ trong quý I/2014 đã giảm 1,7% theo năm, tốc độ nhanh nhất trong 1 năm do ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt.

Những thông tin kinh tế và tình hình Ukraine khiến phố Wall không tích cực trong phiên sáng. Tuy nhiên, vào phiên giao dịch chiều, chứng khoán Mỹ đã tích cực hơn rất nhiều sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Janet Yallen trước Ủy ban hỗn hợp kinh tế Quốc hội. Trong bài phát biểu này, bà Yallen cho biết, nền kinh tế Mỹ vẫn còn những khó khăn, vì vậy, FED vẫn tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.

Phát biểu của bà Yallen không có thêm thông tin gì mới, nhưng nó cũng giúp giới đầu tư yên lòng. Ngoài ra, tình hình Ukraine cũng có những chuyển biến bớt căng thẳng hơn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi phe ly khai ở các tỉnh miền Đông Ukraine tạm hoãn cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc ly khai. Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố đang út quân khỏi biên giới với Ukraine.

Những thông tin này giúp chứng khoán Mỹ phục hồi và tăng mạnh, lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên trước đó, ngoại trừ Nasdaq vẫn chìm trong sắc đỏ do ảnh hưởng của cổ phiếu Yahoo.

Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Dow Jones tăng 117,52 điểm (+0,72%), lên 16.518,54 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,49 điểm (+0,56%), lên 1.878,21 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 13,09 điểm (-0,32%), xuống 4.067,67 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp, cùng tình hình bớt căng thẳng hơn ở Ukraine giúp các thị trường chứng khoán chính khu vực phục hồi khá tốt trong phiên 7/5, nhất là những phút giao dịch cuối của phiên giao dịch. Tuy nhiên, chứng khoán Anh thiếu chút may mắn nên chỉ kịp về sát mốc tham chiếu.

Kết thúc phiên 7/5, chỉ số FTSE tại Anh giảm 2,12 (-0,03%), xuống 6.796,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 53,77 điểm (+0,57%), lên 9.521,30 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 18,37 điểm (+0,41%), lên 4.446,44 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh gần 3%, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ giữa tháng 3 do đồng yên mạnh, ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước này. Các thị trường khác cũng giảm mạnh do ảnh hưởng từ tình hình Ukraine.

Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 424,06 điểm (-2,93%), xuống 14.033,45 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 230,07 điểm (-1,05%), xuống 21.746,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 17,95 điểm (-0,89%), xuống 2.010,08 điểm khi S&P cảnh báo nguy cơ vỡ nợ địa phương của Trung Quốc do thâm hụt ngân sách, trong khi thị trường bất động sản nước này được các nhà phân tích cho rằng đã vỡ bong bóng.

Căng thẳng địa chính trị tạm lắng, cùng với việc đồng USD tăng mạnh trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), với dự đoán ECB sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, khiến giá vàng lao mạnh trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 7/5, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 18,0 USD (-1,38%), xuống 1.289,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 19,7 USD (-1,51%), xuống 1.288,9 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tăng mạnh lên mức cao nhất 1 tuần khi Mỹ bất ngờ công bố kho dự trữ dầu giảm 1,8 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức 1,2 triệu thùng của giới phân tích, xuống 397,6 triệu thùng vào tuần trước.

Kết thúc phiên 7/5, giá dầu thô Mỹ tăng 1,27 USD (+1,26%), lên 100,77 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,07 USD (+0,99%), lên 108,13 USD/thùng.

Tin bài liên quan