Nga cáo buộc quân đội Ukraine tấn công dữ dội quân ly khai, phá hủy tuyến đường chặn đoạn xe cứu trợ và có ý định tấn công nếu đoàn xe đi qua.
Những căng thẳng mới gia tăng đã phần nào tác động không tốt lên tâm lý nhà đầu tư. Các chỉ số chính của phố Wall đang hừng hực khí thế khi trong nửa phiên sáng của phiên cuối tuần, thì đột ngột quay đầu giảm điểm sau thông tin này được đưa ra.
Với thông tin này, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng vọt 20,3%, lên mức cao nhất trong ngày 14,94, trước khi hạ nhiệt vào cuối phiên và đóng cửa chỉ còn tăng 5,9%, lên 13,15.
Chính nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học và kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố khả quan đã giúp tâm lý nhà đầu tư phố Wall trấn tĩnh trở lại và giúp các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ hồi phục dần trở lại, trong đó, Nasdaq thậm chí còn vượt qua lại được mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, lo ngại là vẫn còn, nên nhà đầu tư vẫn tìm nơi trú ẩn an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ và vàng.
Trong khi đó, dữ liệu kinh tế mới công bố lại có sự trái chiều. Trong khi sản lượng sản xuất của Mỹ gia tăng trong tháng 7 và sản xuất ô tô ghi nhận mức tăng lớn nhất trong 5 năm, thì niềm tin người tiêu dùng Mỹ do Reuters và đại học Michigan công bố sơ bộ lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2013.
Kết thúc phiên 15/8, chỉ số Dow Jones giảm 50,67 điểm (-0,30%), xuống 16.662,91 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,12 điểm (-0,01%), xuống 1.955,06 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 11,93 điểm (+0,27%), lên 4.464,93 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,66%, chỉ số S&P 500 tăng 1,22% và chỉ số Nasdaq tăng 2,15%.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên giao dịch khá thuận lợi cuối tuần khi nhà đầu tư kỳ vọng căng thẳng giữa Nga - Ukraine sẽ giảm bớt sau phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài ra, giới đầu tư cũng kỳ vọng vào việc FED sẽ không sớm tăng lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ sau dữ liệu yếu kém của kinh tế Mỹ, Đức, Pháp được công bố phiên trước đó.
Tuy nhiên, thông tin về việc Ukraine pháo kích 1 đoàn xe thiết giáp của Nga khiến tình hình lại trở nên tồi tệ và khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu vội vã bán tháo cuối phiên, kéo các chỉ số chính của khu vực quay đầu giảm điểm và đóng cửa phần lớn trong sắc đỏ.
Nếu tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine gia tăng, nhiều khả năng Mỹ và các nước phương Tây lại đưa thêm biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và kéo theo đó là trả đũa mạnh hơn của Nga. Trong các nước phương Tây, Đức là đối tác thương mại và đầu tư lớn của Nga, vì vậy, nếu tình hình trở nên xấu hơn nữa, các công ty của Đức sẽ chịu nhiều thiện hại, nên dễ hiểu khi chứng khoán Đức giảm mạnh trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 15/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,82 điểm (+0,06%), lên 6.689,08 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 132,50 điểm (-1,44%), xuống 9.092,60 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 18,10 điểm (-0,43%), xuống 4.174,36 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,85%%, chỉ số DAX tăng 0,92%, chỉ số CAC 40 tăng 0,64%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á kết thúc sớm hơn, trước khi các thông tin về tình hình căng thẳng Nga- Ukraine được đưa ra, nên đồng loạt tăng điểm. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có được tuần tăng điểm trọn vẹn với mức tăng hàng tuần lớn nhất trong 4 tháng.
Kết thúc phiên 15/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 3,77 điểm (+0,02%), lên 15.318,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 153,58 điểm (+0,62%), lên 24.954,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 20,27 điểm (+0,92%), lên 2.226,73 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,65%, chỉ số Hang Seng tăng 2,56%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,47%.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng lại có diễn biến trái ngược với chứng khoán. Khi chứng khoán tăng mạnh, giá vàng đã lao tới gần 20 USD/ounce khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, xuống dưới mức 1.294 USD/ounce. Tuy nhiên, ngay khi nhận được thông tin hỗ trợ về tình hình căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, giá vàng đã nhanh chóng hồi phục và chỉ còn giảm nhẹ so với mức đóng cửa phiên trước.
Tuy nhiên, trong tuần với thông tin tình hình căng thẳng địa chính trị được giảm bớt, giá vàng đã chịu áp lực và có tuần giảm nhẹ, trái với dự đoán của giới phân tích đưa ra tuần trước.
Trong lần khảo sát tuần này của Kitco, số người trả lời đã giảm đi nhiều chỉ còn 20 người, trong đó, có 8 người cho rằng, giá vàng sẽ tăng giá trong tuần tới, 8 người lại cho rằng giá sẽ giảm, còn 4 người cho rằng giá kim loại quý sẽ đi ngang.
Kết thúc phiên 15/8, giá vàng giao ngay giảm 8,4 USD (-0,64%), xuống 1.304,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 9,5 USD (-0,72%), xuống 1.306,2 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,35%, giá vàng giao tháng 12 giảm 0,37%.
Trên thị trường nhiên liệu, giá dầu đã vọt tăng trở lại sau phiên lao dốc trước đó khi lo ngại về tình hình căng thẳng và xung đột gia tăng, ảnh hưởng đến nguồn cung. Tuy hồi mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu vẫn tiếp tục có tuần giảm mạnh.
Kết thúc phiên 15/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,77 USD (+1,85%), xuống 97,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,64 USD (+1,61%), lên 103,65 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 0,31%, giá dầu thô Brent giảm 1,30%.