Úc - Trung "căng như dây đàn" sau một loạt lệnh cấm nhập khẩu từ Bắc Kinh

0:00 / 0:00
0:00

Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu gỗ từ Queensland và các lô hàng lúa mạch từ một nhà xuất khẩu ngũ cốc của Úc vào thứ 6 tuần trước. Đồng và đường sẽ là hàng hóa tiếp theo.

Mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc ngày càng căng thẳng sau một loạt lệnh cấm nhập khẩu của Bắc Kinh. (Ảnh: Getty).

Mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc ngày càng căng thẳng sau một loạt lệnh cấm nhập khẩu của Bắc Kinh. (Ảnh: Getty).

Hôm thứ Sáu tuần qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã cảnh báo cho các nhà xuất khẩu Úc rằng họ đã tìm thấy một loài bọ cánh cứng Ips grandicollis trong gỗ tròn nhập khẩu từ Queensland và đã cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm gỗ tròn có nguồn gốc từ Úc.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai vừa qua đã xác nhận rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã nhiều lần phát hiện thấy “chất nguy hại sinh học” có trong gỗ mà Úc xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cơ quan hải quan của Trung Quốc cũng cho biết, họ đã phát hiện thấy có dấu hiệu ô nhiễm trong lô hàng lúa mạch từ nhà xuất khẩu ngũ cốc của Úc là Emerald Grain và đã ngừng nhập khẩu từ công ty này từ thứ Sáu tuần trước.

Theo nhiều nguồn tin thương mại ở Trung Quốc, các lệnh cấm đối với quặng đồng và tinh quặng đồng cũng dự kiến sẽ được đưa ra trong tuần này.

Vào tháng 9, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu lúa mạch từ nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất của Úc, CBH Group, sau khi phát hiện sâu bệnh trong một lô hàng. GACC cũng đã thu hồi đăng ký nhập khẩu của CBH Group, mặc dù công ty nói rằng không có bằng chứng để chứng minh cho các tuyên bố về ô nhiễm mà Trung Quốc đưa ra.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lúa mạch lớn nhất của Úc. Trung Quốc đã mua khoảng 70% lượng lúa mạch của Úc. Vào tháng 5 vừa qua, ngành công nghiệp Úc đã phải chịu một đòn giáng sau khi Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp kết hợp 80,5% đối với hàng xuất khẩu sau cuộc điều tra kéo dài 18 tháng, khiến lúa mạch của Úc trở nên đắt hơn.

Tại Thượng Hải cuối tuần qua, hải quan Trung Quốc đã giữ một lô hàng tôm hùm đá Tây Úc để kiểm dịch. Lô hàng bị kiểm tra này là một mẫu ngẫu nhiên và không có thông tin chi tiết về thời điểm kết quả sẽ được công bố.

Trong khi quá trình kiểm tra đang được thực hiện, khoảng 20 tấn tôm hùm sống đã bị chặn nhập vào Trung Quốc và mắc kẹt tại sân bay Trung Quốc.

Nhóm Cố vấn Thương mại Thủy sản Úc đã kêu gọi các nhà xuất khẩu trong nước ngừng xuất khẩu tôm hùm sống sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Úc, Simon Birmingham, cho biết hôm thứ Hai rằng, các lô hàng tôm hùm đá đang được kiểm tra về mức hàm lượng kim loại. Chính phủ Úc và các ban ngành đang tìm cách làm rõ thêm từ Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu tôm hùm đá lớn nhất của Úc, chiếm 94% tương đương khoảng 750 triệu AUD (527 triệu USD) vào năm ngoái.

Theo các nguồn tin, các doanh nghiệp nhà nước và công ty tư nhân của Trung Quốc cũng đã được hướng dẫn không chính thức để ngừng mua 7 loại sản phẩm của Úc gồm lúa mạch, đường, rượu vang đỏ, gỗ tròn, than, tôm hùm, quặng đồng và thức ăn tinh từ hôm thứ Sáu tuần trước.

Hàng hóa đến cảng Trung Quốc trước ngày thứ Sáu sẽ được phép nhập cảnh vào Trung Quốc, nhưng hàng hóa đến sau đó sẽ không được thông quan ngay cả khi chúng được đưa vào kho ngoại quan.

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc có lô hàng đến sau ngày thứ sáu đã được thông báo rằng họ sẽ phải chịu chi phí cho hàng hóa không được xử lý và họ đã được khuyên nên hủy các đơn đặt hàng trong tương lai để giảm bớt thiệt hại.

Các lệnh cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm trong danh sách này vừa mới được Trung Quốc đưa ra, ngoại trừ than đá, đã được hạn chế một cách không chính thức cách đây hai tuần. Trong khi đó, lệnh cấm nhập khẩu thịt bò và bông của Úc vẫn được giữ nguyên.

Chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố bằng lời nói với các nhà máy thép và nhà máy điện Trung Quốc rằng họ phải ngừng mua than luyện và than nhiệt điện của Úc, khiến một số tàu chở hàng của Úc bị mắc kẹt tại các cảng của Trung Quốc và các đơn đặt hàng chuyển tiếp bị hủy bỏ.

Miner BHP Group xác nhận họ đã nhận được yêu cầu hoãn lô hàng lại từ các khách hàng than Trung Quốc.

Không có thông báo chính thức nào về các lệnh cấm mới được chính phủ Trung Quốc đưa ra, nhiều thương nhân Trung Quốc cho rằng, những “lệnh cấm bằng lời nói” này có thể làm phức tạp thêm việc lập kế hoạch và đặt hàng của họ.

Một nhà xuất khẩu giấu tên cho biết: “Phương pháp này thậm chí có thể sẽ khiến xung đột giữa Trung Quốc và Úc trở nên tồi tệ hơn cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.”

Tin bài liên quan