Một tòa án ở Úc đã yêu cầu Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, nộp phạt tổng cộng 20 triệu đô la Úc vì đã thu thập dữ liệu người dùng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh với mục đích bảo vệ quyền riêng tư mà không khai báo về hành động của mình.
Tòa án Liên bang của Úc cũng đã ra lệnh cho Meta, thông qua các công ty con là Facebook Israel và ứng dụng hiện đã ngừng sản xuất, Onavo, phải trả 400.000 đô la Úc chi phí pháp lý cho Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC), cơ quan đã khởi kiện vụ kiện này với Meta.
Sự việc cụ thể là từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2017, Facebook đã quảng cáo ứng dụng Onavo như một cách để mọi người giữ an toàn cho thông tin cá nhân của họ nhưng Facebook lại thu thập vị trí, thời gian và tần suất đăng nhập của người dùng app cũng như các ứng dụng điện thoại thông minh và các trang web mà người dùng đã truy cập cho mục đích thương mại, nhất là để chạy quảng cáo.
Thẩm phán Wendy Abraham cho biết trong một bản án bằng văn bản vào hôm nay (26/7): "Việc không tiết lộ đầy đủ về việc bí mật thu thập thông tin cá nhân đã làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của hàng chục nghìn người tiêu dùng Úc khi tải xuống hoặc sử dụng ứng dụng Onavo Protect".
Bà Abraham viết thêm: "Số tiền phạt đã được cơ quan quản lý và Meta đồng ý, kèm theo đó là một mức phạt đủ lớn để đảm bảo rằng số tiền phạt sẽ không bị coi nhẹ, chỉ là một khoản chi phí có thể chấp nhận được".
Đây không phải lần đầu tiên Meta dính vào các vụ bê bối về quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Lần gần đây nhất là vào 17/7, Cơ quan bảo vệ dữ liệu Na Uy thông báo, Meta sẽ bị phạt 100.000 USD/ngày cho đến khi đưa ra biện pháp khắc phục những vi phạm về quyền riêng tư. Cơ quan này sẽ “tính tiền phạt” theo từng ngày, bắt đầu từ ngày 4/8 cho đến ngày 3/11 nếu Meta không có giải pháp khắc phục.
Số tiền kỷ lục Meta từng bị tuyên phạt là vào cuối tháng 5/2023, Ireland đã phạt Meta số tiền khổng lồ lên tới 1,2 tỷ euro (khoảng 1,3 tỷ USD), liên quan việc gửi dữ liệu người dùng châu Âu về máy chủ tại Mỹ.
Đây là một trong những mức phạt nặng nhất trong 5 năm qua kể từ khi EU ban hành Luật bảo vệ dữ liệu chung. Trước đó năm 2021, Luxembourg đã áp đặt mức phạt kỷ lục 746 triệu euro (821,20 triệu USD) đối với Amazon do vi phạm luật này.