UBS: Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang lạc quan về tăng trưởng nhưng lo lắng về rủi ro địa chính trị

UBS: Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang lạc quan về tăng trưởng nhưng lo lắng về rủi ro địa chính trị

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo một cuộc khảo sát hàng năm của UBS được công bố hôm thứ Năm (11/7), các ngân hàng trung ương cho rằng sự leo thang xung đột địa chính trị là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc khảo sát của UBS với 40 ngân hàng trung ương hàng đầu quản lý hơn 15 nghìn tỷ USD - khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của thế giới - cho thấy 2/3 dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ quay trở lại mức tăng trưởng và lạm phát vừa phải trong 5 năm tới.

Trong đó, vấn đề “vũ khí hóa” dự trữ ngoại hối được 1/3 số ngân hàng trung ương tham gia khảo sát cho rằng là rủi ro hàng đầu, gấp đôi năm ngoái. Mối lo ngại lớn nhất đối với 87% trong số 40 ngân hàng trung ương được UBS khảo sát là sự leo thang hơn nữa trong căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Trung Quốc và Mỹ, cũng như tình hình ở Trung Đông.

Theo cuộc khảo sát, cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ cũng có thể làm gia tăng căng thẳng, với 94% ngân hàng trung ương cho rằng chiến thắng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung xấu đi hơn nữa.

Điều đáng lo ngại là tài sản của ngân hàng trung ương có thể bị xử phạt, tịch thu hoặc khai thác nếu như xung đột leo thang. Một kế hoạch được vạch ra vào đầu năm nay nhằm sử dụng lợi nhuận từ các tài sản ngoại tệ bị đóng băng của Nga để giúp tái thiết Ukraine đã đặt ra một tiền lệ nguy hiểm có nguy cơ làm suy yếu vị thế của dự trữ ngoại hối với tư cách là kho lưu trữ tài sản an toàn và thanh khoản nhất của một quốc gia.

Massimiliano Castelli, người đứng đầu thị trường có chủ quyền toàn cầu tại UBS Asset Management cho biết, những sự kiện này “làm tăng thêm nguy cơ dự trữ ngoại hối không còn được xem là nơi trú ẩn an toàn cho các ngân hàng trung ương”. Ông cho biết vàng có thể “được hồi sinh nhờ các xu hướng địa chính trị đang diễn ra”.

Khoảng 260 tỷ euro (281,40 tỷ USD) quỹ của ngân hàng trung ương Nga đang bị đóng băng trên toàn thế giới, chủ yếu ở EU.

Điều đó có thể thúc đẩy sự chuyển dịch khỏi các tài sản được định giá bằng đồng đô la, thách thức thêm sự thống trị của đồng bạc xanh.

Tỷ lệ nắm giữ đô la trung bình giữa các ngân hàng trung ương tham gia khảo sát là 55%, ít thay đổi so với mức 56% của một năm trước. Tỷ lệ đó là 67% vào năm 2021 và nó đang theo chiều hướng giảm dần. Trong khi đó, 1/4 số ngân hàng trung ương tham gia khảo sát cho biết họ đã tăng phân bổ vào đồng euro, trong khi 8% bổ sung vào việc nắm giữ đồng yên.

“Có quan điểm cho rằng đồng đô la sẽ bị thiệt hại do vũ khí hóa dự trữ tiền tệ vì lý do địa chính trị…và việc Mỹ leo thang các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia bao gồm cả Nga đã thúc đẩy họ tiến hành kinh doanh bằng các loại tiền tệ khác”, ông Massimiliano Castelli cho biết.

Trong khi đó, nhu cầu đối với tài sản bằng đồng nhân dân tệ đã giảm do lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Tỷ lệ ngân hàng trung ương tham gia khảo sát cho biết đã đầu tư hoặc đang cân nhắc đầu tư vào đồng nhân dân tệ đã giảm xuống 70% từ mức 72% vào năm ngoái, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2017.

Các ngân hàng trung ương cũng lo lắng hơn về sự phân mảnh chính trị và tài khoản công phình to so với một năm trước. Tỷ lệ ngân hàng trung ương tham gia khảo sát cho rằng mức nợ không bền vững là rủi ro chính đối với nền kinh tế toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi lên 37%.

Tin bài liên quan