Văn bản chỉ đạo (nơi nhận có Báo Đầu tư) do ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký ngày 3/7/2023, nêu: “Theo thông tin của Báo Đầu tư tại bài viết: “Đất sống của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 2: Biến trạm cân, camera thành vật trang trí”, số ra ngày 28/6/2023, phản ánh việc Công ty cổ phần Trường Lợi thường xuyên tổ chức khai thác cát tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc sau khung thời gian được phép hoạt động khai thác (từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều) theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ và vận chuyển khoáng sản ra khỏi khu vực khai thác không qua trạm cân, có nguy cơ thất thu thuế tài nguyên khoáng sản”.
Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam. |
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND huyện Đại Lộc chỉ đạo các Phòng chức năng phối hợp với Chi cục Thuế huyện Đại Lộc tổ chức kiểm tra, làm rõ thông tin Báo Đầu tư nêu và việc thực hiện mua, bán khoáng sản, kê khai thuế của Công ty cổ phần Trường Lợi tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10/7/2023.
Lúc 17h19 ngày 12/6/2023, ống kính của nhóm phóng viên Báo Đầu tư ghi lại cảnh máy hút, xe múc vẫn công nhiên hoạt động tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đồng, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ và Phòng chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định trong hoạt động khai thác, mua, bán khoáng sản và kê khai nộp thuế, các nghĩa vụ tài chính phát sinh của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3305/UBND-KTN ngày 30/5/2023; xử lý nghiêm hành vi vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Sau khi “no” cát ở mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, đoàn xe lách qua trạm cân và camera giám sát bằng lối cho các xe vào mỏ cát. |
Như Báo Đầu tư đã đăng tải tại bài điều tra: “Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 2: Biến trạm cân, camera thành vật trang trí”, trạm cân và camera là thiết bị đắc lực để kiểm soát khối lượng cát thực tế chuyển ra khỏi mỏ khoáng sản. Thế nhưng, vào khung giờ cấm (sau 17h) của các ngày mà bài viết đã nêu, các thiết bị này tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (do Công ty cổ phần Trường Lợi làm chủ) biến thành vật trang trí. Một khối lượng cát khá lớn được vận chuyển "chui" ra ngoài trong tình cảnh vắng bóng lực lượng chức năng. Cùng với đó, sau 17h của các ngày mà bài viết đã nêu, máy hút, xe múc vẫn công nhiên hoạt động rầm rộ bên trong lòng mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Tại Công văn số 3305/UBND-KTN ngày 30/5/2023, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải chấp hành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh gồm: Lắp đặt, duy trì hoạt động của trạm cân, camera giám sát tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác 24/24 giờ các ngày trong năm. Camera được lắp đặt ở vị trí phù hợp để giám sát, nhận diện biển số xe, tự động chụp ảnh biển số khi có phương tiện đi qua phạm vi hoạt động của camera; kết xuất danh sách biển số xe, xem trực tuyến biển số, chia sẻ thông tin (danh sách biển số xe, video) về máy chủ của cơ quan quản lý nhà nước. Trạm cân, camera phải được kết nối với internet và gắn kèm thiết bị lưu trữ thông tin dưới dạng số hóa, lưu trữ dữ liệu ra thẻ nhớ hoặc ra ổ đĩa để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp và yêu cầu truy xuất dữ liệu của cơ quan chức năng khi kiểm tra, thanh tra.
Các đơn vị đã lắp đặt trạm cân, camera nhưng chưa có văn bản xác nhận hoàn thành của UBND cấp huyện nơi đặt trạm cân, camera thì phải khẩn trương báo cáo với UBND cấp huyện để được kiểm tra, xác nhận và gửi văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế khu vực,
UBND cấp xã nơi đang hoạt động khai thác khoáng sản và các ngành liên quan để theo dõi, giám sát. Trong quá trình vận hành, nếu trạm cân hoặc camera bị hỏng thì phải kịp thời sửa chữa hoặc trường hợp tạm dừng hoạt động khai thác, vận chuyển trong thời gian trên 1 tháng thì phải có văn bản báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, UBND cấp huyện và các ngành chức năng để quản lý.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu việc xuất bán khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác phải có Hợp đồng mua bán hàng hóa và xuất hóa đơn đầy đủ, ghi đúng số lượng, giá bán; có Phiếu xuất kho đối với mỗi lần vận chuyển. Việc vận chuyển khoáng sản ra bên ngoài khu vực tập kết nguyên liệu thành phẩm phải có phiếu kết xuất dữ liệu từ trạm cân và lập sổ theo dõi, ghi rõ: loại, khối lượng khoáng sản, biển số phương tiện vận chuyển, ghi chép đầy đủ thông tin theo từng ngày, tháng, năm để làm cơ sở khai báo sản lượng tính thuế tài nguyên khoáng sản và xác định sản lượng khoáng sản khai thác hàng năm trong báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản; lập đầy đủ bản đồ hiện trạng mỏ và lưu trữ sổ sách, chứng từ, tài liệu xác định sản lượng khai thác hàng tháng, hàng năm; thực hiện việc báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản đúng thời hạn, đầy đủ thông tin theo biểu mẫu quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có mỏ khoáng sản khai thác thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện lắp đặt, vận hành của hệ thống camera, trạm cân của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn; chú trọng tình trạng hoạt động của camera và việc lưu trữ dữ liệu dưới dạng số hóa liên tục; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ và Chi cục Thuế khu vực tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về kê khai nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản; sổ sách, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc mua, bán khoáng sản của các doanh nghiệp.
Đối với các trường hợp số liệu kê khai, nộp thuế có sai khác nhiều với công suất khai thác khoáng sản theo Giấy phép được cấp thì kịp thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, truy xuất dữ liệu lưu trữ từ hệ thống camera giám sát để đối chiếu, so sánh, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không đúng thực tế, bán khoáng sản không xuất hóa đơn, bán không đúng giá niêm yết, khai thác vượt công suất.
“Công an tỉnh chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, vận chuyển khoáng sản theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản này và các văn bản chỉ đạo trước đây của UBND tỉnh đến các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để quán triệt, thực hiện; đồng thời, cùng với Thanh tra tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo thẩm quyền, đúng quy định”, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu.