Mới đây, trong công văn trả lời các nội dung liên quan kiến nghị của Vinasun theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, Công ty TNHH Uber Việt Nam và Công ty TNHH Grabtaxi đã đưa ra nhiều dẫn chứng khẳng định quan điểm cho rằng hai đơn vị này là "công ty kinh doanh dịch vụ taxi trá hình", cạnh tranh không lành mạnh bằng chiêu thức siêu giảm giá, chiến lược giá huỷ diệt, trợ giá cho khách hàng nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường, đánh sập taxi truyền thống... là không có cơ sở.
Cụ thể, Uber cam kết vẫn tiến hành kê khai và nộp thuế đầy đủ cho dịch vụ Uber B.V Hà Lan, đồng thời khấu trừ và nộp thuế cho các đối tác là những hộ kinh doanh cá thể theo quy định nên thông tin núp dưới danh nghĩa hợp đồng điện tử nhằm né tránh nghĩa vụ thuế, phí là sai.
Trong khi đó, Grab dù đồng tình về việc “có một số công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng đặt xe đang vi phạm quy định về thuế như Vinasun đề cập”, song không nhắc đích danh những công ty này. Để khẳng định không có hành vi trốn thuế, Grab cũng đưa ra giấy khen của Cục Thuế TP HCM vào năm 2015.
Liên quan vấn đề xếp loại hoạt động của các doanh nghiệp này giống loại hình kinh doanh vận chuyển hành khách đường bộ bằng taxi, Uber cho rằng, bản chất hoạt động của đơn vị này khác với taxi truyền thống nên không thể áp dụng hình thức quản lý như nhau.
Từ khi được cho phép tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý và kết nối vận tải, đơn vị này đang thực hiện các bước chuyển đổi nhằm chỉ hợp tác với doanh nghiệp vận tải và hợp tác xã vận tải.
“Chúng tôi ủng hộ việc quản lý các đơn vị vận tải như Uber dưới hình thức dịch vụ vận tải theo hợp đồng như hiện nay. Đây là hình thức quản lý phù hợp và khả thi duy nhất”, ông Đặng Việt Dũng - Giám đốc điều hành Uber Việt Nam nói.
Đại diện Uber cho biết, đơn vị này đã gặp Sở Giao thông vận tải TP HCM và Hà Nội để xin hướng dẫn triển khai, gửi các thông tin và báo cáo theo yêu cầu nên không có chuyện “hoạt động ngoài vòng pháp luật” như thông tin từ Vinasun.
Ngoài ra, đơn vị này còn dẫn thông tin cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với doanh nghiệp Mỹ trong chuyến thăm chính thức mới đây nhằm nhắc lại lời hứa Chính phủ tạo mọi điều kiện cho các loại hình kinh doanh mới như Uber hoạt động tại Việt Nam.
Uber cho biết ứng dụng gọi xe đang có mặt tại 70 quốc gia, trong số này có những quốc gia mà Vinasun cho rằng đã “đánh giá hệ lụy kinh tế, tính công bằng và trật tự xã hội để quyết định lệnh cấm hoạt động” như Nhật Bản, Indonesia, Philippines…
Đơn vị này đính kèm danh sách 450 thành phố Uber góp mặt để chứng minh thông tin từ đối thủ là bịa đặt và “sẵn sàng cung cấp các thông tin, tài liệu để chứng minh nếu được yêu cầu”.
Về phía Grab, đơn vị này cho rằng, kết quả kinh doanh không tốt của Vinasun, cụ thể là trong quý I năm nay, đã có 4.239 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi... phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện khách quan thị trường, thói quen tiêu dùng, bộ máy quản lý… nên không thể đổ lỗi cho đối thủ.
Đơn vị này đặt ngược vấn đề trong quá trình chiếm lĩnh thị phần taxi truyền thống, Vinasun cũng khiến nhiều doanh nghiệp khác rời bỏ thị trường.
Hai đơn vị này cũng khẳng định ý kiến của Vinasun về hoạt động cạnh tranh không lành mạnh bằng chiêu thức siêu giảm giá, chiến lược giá huỷ diệt, trợ giá cho khách hàng nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường, đánh sập taxi truyền thống… là không có cơ sở và bằng chứng thực tế.