Cổ phiếu MLN mất 55% giá trị
Cổ phiếu CTCP Mai Linh miền Bắc (mã chứng khoán MLN) chính thức giao dịch trên UPCoM vào ngày 25/8 vừa qua với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trái với “hiệu ứng tân binh” cứ lên sàn là tăng trần, cổ phiếu MLN liên tiếp giảm sàn. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/8, cổ phiếu MLN giảm về mức 5.900 đồng/cổ phiếu, tức là mất gần 55% giá trị chỉ sau 2 phiên.
Nhiều ý kiến cho rằng, MLN lên sàn lúc này là “sai sách”, khi mà thị trường taxi truyền thống đang gặp nhiều khó khăn trước sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng gọi xe hiện đại như Uber, Grab.
“Thời của công nghệ, Uber và Grab lên ngôi, taxi truyền thống chịu lép vế một thời gian dài, khiến doanh thu, lợi nhuận sụt giảm. Phản ứng của thị trường phần nào thể hiện bức tranh không mấy lạc quan về ngành taxi truyền thống thời gian tới”, một chuyên gia nhìn nhận.
Thực tế cũng cho thấy, cổ phiếu ngành taxi có thời điểm đã rơi vào quên lãng khi vắng bóng trong danh mục khuyến nghị của nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư.
Khác với thái độ dè dặt từ thị trường, MLN vẫn tỏ ra lạc quan với kế hoạch kinh doanh 2017. Cụ thể, MLN đặt kế hoạch doanh thu 1.190 tỷ đồng, tăng 6 % so với thực hiện 2016, song lợi nhuận sau thuế tăng tới 41%, đạt 35,7 tỷ đồng, cổ tức dự kiến ở mức 6%.
Năm 2016 MLN có doanh thu gần 1.120 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2015, lãi sau thuế đạt 25,3 tỷ đồng, giảm 14,5%. Mặc dù lợi nhuận giảm mạnh, nhưng MLN vẫn tự tin với kế hoạch đề ra là bởi mảng dịch vụ chính là taxi (chiếm khoảng 86% tổng doanh thu) vẫn tích cực, bên cạnh các dịch vụ cho thuê tài sản. Được biết, kết thúc quý I/2017, MLN đạt gần 300 tỷ đồng doanh thu, riêng doanh thu từ dịch vụ xe taxi đạt 256 tỷ đồng, tăng 1,3% cùng kỳ 2016; lãi sau thuế đạt 6,53 tỷ đồng, tăng 185% cùng kỳ.
Tập đoàn Mai Linh hiện là cổ đông lớn nhất của MLN, với tỷ lệ sở hữu 47,86%. Ngoài ra, MLN còn có 2 cổ đông lớn khác là ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, sở hữu 11,17% và ông Hồ Chương, tỷ lệ sở hữu 10,21%.
Cổ phiếu đầu ngành VNS cũng lao dốc
Không chỉ tân binh MLN, ngay cả cổ phiếu VNS của CTCP Ánh Dương Việt Nam, vốn được coi là cổ phiếu đầu ngành taxi, cũng có thời gian dài lao dốc. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VNS đã mất 44% giá trị.
Cụ thể, ngày 3/1/2017, VNS chốt ở mức giá 32.700 đồng/cổ phiếu, ngày 28/8/2017 giao dịch quanh mốc 18.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau hơn 7 tháng mỗi cổ phiếu VNS đã mất 14.600 đồng/cổ phiếu. Với 67.859.192 cổ phiếu VNS đang lưu hành hiện nay, ước tính giá trị vốn hóa của Vinasun mất hơn 990 tỷ vì đà lao dốc của cổ phiếu VNS.
Khối lượng cổ phiếu VNS được giao dịch hiện khá khiêm tốn khi trong ngày 28/8 chỉ 5.390 cổ phiếu được giao dịch, trước đó ngày 22/8 chỉ có 950 cổ phiếu được khớp lệnh. Cổ phiếu VNS dường như giảm dần sức hấp dẫn, các phiên giao dịch thường xuyên được bao phủ bởi sắc đỏ ảm đạm.
VNS liệu có gượng nổi trước sự phát triển ồ ạt của ứng dụng Uber và Grab trên các tỉnh, thành phố lớn ở Việt Nam đang là câu hỏi lớn. Trong 6 tháng đầu năm doanh thu của VNS đạt 1.903 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đạt 127,6 tỷ đồng giảm đến 32%.
Đáng chú ý, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 52,8 tỷ đồng, giảm 53,5% so với mức 113,7 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chủ yếu từ lợi nhuận thanh lý xe cũ đạt xấp xỉ 75 tỷ đồng.
Phân tích của Công ty Chứng khoán APEC cho thấy, thị trường taxi Việt Nam hiện vẫn còn tiềm năng, dự đoán nhu cầu thiêu thụ taxi những năm tới tăng trưởng hơn 10%/năm nhờ sự phát triển kinh tế trong nước, nhu cầu tiêu dùng tăng cao và khách du lịch tăng trưởng đều qua các năm từ 10-15%. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành taxi chưa có lối ra, bởi nhà đầu tư chưa nhìn thấy chiến lược dài hơi và tính khả thi của các công ty trong cuộc đua taxi thời công nghệ số hiện nay.
Để thoát khỏi tình trạng này và khôi phục lại giá trị, từng công ty cần có những cú thay đổi bứt phá lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.\