Ông Vũ Bằng.

Ông Vũ Bằng.

UBCK trước bài toán cân bằng trong phát triển thị trường

(ĐTCK-online)Gần 200 DN niêm yết có tổng giá trị vốn hoá tương đương 33% GDP; 60 công ty chứng khoán (CTCK) phục vụ khoảng 300.000 tài khoản của nhà đầu tư là những thông số cơ bản định lượng cho TTCK Việt Nam vào thời điểm kỷ niệm 7 năm thành lập (20/7/2000 - 20/7/2007).

Trên bình diện như vậy, bài toán phát triển thị trường hiện không chỉ còn là thúc đẩy DN lên niêm yết hay mở rộng cơ số nhà đầu tư, mà đang được tính toán ở một cấp độ cao hơn: đó là làm sao để thị trường phát triển bền vững, ngăn ngừa các yếu tố có thể dẫn đến khủng hoảng trên diện rộng. ĐTCK-online đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), ông Vũ Bằng xoay quanh câu chuyện này.  


Điều tiết sự phát triển của 3 chủ thể lớn trên TTCK là nhà đầu tư, công ty chứng khoán và công ty phát hành được UBCK định hướng như thế nào trong bối cảnh thị trường đã đạt đến quy mô tương đối lớn như hiện nay, thưa ông?

Đúng là để phát triển TTCK cần dựa trên 3 chủ thể quan trọng, đó là cung - cầu - tổ chức tài chính trung gian. Do đó, về trung và dài hạn, quan điểm của UBCK là tiếp tục thúc đẩy 3 chủ thể trên phát triển cả về chất và lượng. Nhìn chung, lượng cung sẽ được bổ sung đáng kể thông qua việc Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN, đặc biệt là các DN quy mô lớn, kinh doanh hiệu quả và việc bán bớt cổ phần Nhà nước trong các DN đã cổ phần hoá. Về lượng cầu, chúng tôi luôn chú trọng việc mở rộng cơ số nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, để góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong đầu tư chứng khoán. Còn về khối tổ chức tài chính trung gian, quan điểm chỉ đạo trong phát triển khối này là cần nâng cấp năng lực quản trị, năng lực tài chính và chất lượng dịch vụ, để có thể cung ứng những dịch vụ tốt hơn ra thị trường.

Trong bước đi trung, dài hạn của TTCK như vậy, một yêu cầu cơ bản là phải giữ được sự phát triển cân bằng tương đối giữa các chủ thể. TTCK Việt Nam 7 năm qua đã nhiều lần rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng nhà đầu tư. Hiện nay, để điều tiết những chủ thể lớn trên TTCK, UBCK đã xây dựng đề án phát triển thị trường bền vững, trong đó đưa ra các giải pháp để xử lý khi thị trường quá nóng hoặc quá lạnh, đồng thời phát hiện những dấu hiệu tiền khủng hoảng để có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Hiện nay, đề án này đang được gửi xin ý kiến của Hội đồng Tài chính tiền tệ và hướng xử lý sẽ thiên về các giải pháp mang tính kinh tế là chính.

 

Nếu cung và cầu đã từng bị mất cân đối và từ đó chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong việc xử lý thì UBCK sẽ ứng xử thế nào khi số tổ chức tài chính trung gian, đặc biệt là CTCK ồ ạt xin ra đời?

Việc ra đời nhiều CTCK trước mắt sẽ tạo điều kiện mở rộng địa điểm cho nhà đầu tư tiếp cận với kênh đầu tư này và thông qua việc phải cạnh tranh nhiều hơn, các CTCK sẽ phải nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, về dài hạn, đây là vấn đề cần phải cân nhắc vì xu thế chung của TTCK quốc tế là các CTCK yếu sẽ bị phá sản hoặc sáp nhập để tạo nên những định chế tài chính trung gian đủ sức cạnh tranh. Hiện nay, TTCK Trung Quốc chỉ có 107 CTCK; TTCK Thái Lan có 40 CTCK; TTCK Malaysia có 40 CTCK; TTCK Hàn Quốc có 50 CTCK… Nếu TTCK Việt Nam cũng ồ ạt mở rộng lượng CTCK thì không những sẽ gặp khó khăn về nhân sự, công nghệ, mà trong tương lai, các CTCK sẽ phải đối diện với khả năng sáp nhập, phá sản. Đây là vấn đề cần tính đến ngay từ bây giờ để có cách ứng xử phù hợp.

Về phía UBCK, hiện có 2 hướng giải quyết: thứ nhất, nâng điều kiện thành lập CTCK như khối ngân hàng đã làm, trong đó có điều kiện về thời gian nắm giữ cổ phiếu của cổ đông sáng lập. Thứ hai, tạm ngừng cấp phép cho CTCK mới một thời gian để tập trung xử lý hơn 60 hồ sơ đang nằm tại Ủy ban, đồng thời tạo điều kiện cho Ủy ban thực hiện các mảng hoạt động khác để phát triển thị trường. Tuy nhiên, dù là hướng xử lý nào thì cũng cần có sự đồng thuận. Về phía Bộ Tài chính, quan điểm chỉ đạo chung là nếu cần hạn chế thì trên cơ sở các văn bản pháp lý hiện hành, cần nghiên cứu, bổ sung tiêu chí thành lập CTCK và việc này được giao cho UBCK thực hiện.

 

Thưa ông, vào thời điểm TTCK tròn 7 tuổi, có ý kiến ủng hộ việc TTCK có 1 sở, 1 trung tâm; nhưng ý kiến khác thì lại nói TTCK Việt Nam nên có 2 sở để tránh độc quyền tự nhiên và tạo sự phát triển lành mạnh cho cả thị trường?

Một trong những điểm quan trọng trong quá trình phát triển TTCK 7 năm qua là sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Chính phủ trong các định hướng lớn. Theo Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2010, mô hình thị trường sẽ được phát triển theo hướng 1 Sở, 1 Trung tâm và điều này cũng đã được thể hiện trong Luật Chứng khoán.

Dù phát triển theo mô hình nào thì cách tổ chức của 2 cơ quan này cũng giống nhau, chỉ khác nhau về phương thức giao dịch, mô hình Sở hướng đến việc giao dịch tập trung, còn mô hình Trung tâm hướng đến việc giao dịch thoả thuận. Sàn Hà Nội đang phát triển theo hướng vừa tổ chức 1 thị trường giao dịch tập trung, vừa tổ chức 1 thị trường giao dịch thoả thuận, hướng đến việc trở thành cơ quan giám quản thị trường OTC trong tương lai. Tuy sàn Hà Nội mới hoạt động được hơn 2 năm nhưng đã có những đóng góp tích cực cho công tác cổ phần hoá, tạo sàn cho các cổ phiếu giao dịch và là bước đệm làm tăng tính minh bạch chung cho các DN trong nền kinh tế. Hiện nay, vẫn còn một điểm để ngỏ trong đề án phát triển 2 sàn này, đó là sau năm 2010 sẽ cổ phần hoá cả Sở và Trung tâm, nhưng mức độ đa dạng hoá cổ đông như thế nào, nhất là việc thu hút cổ đông là nhà ĐTNN vẫn là một bài toán mở.

 

UBCK định hướng việc quản lý công ty đại chúng như thế nào trong bối cảnh có hàng nghìn DN thuộc diện này chưa quen với văn hoá minh bạch, thưa ông?

Việc quản lý khối công ty đại chúng là một nhiệm vụ lớn mà chúng tôi đang nỗ lực để thực hiện. Việc quản lý có thể chia thành 2 cấp. Thứ nhất là đăng ký: các công ty đại chúng sẽ phải đăng ký với UBCK, theo đó sẽ phải thực hiện nghĩa vụ kiểm toán (báo cáo năm), công bố thông tin, góp phần lành mạnh hoá thị trường cổ phiếu chưa niêm yết. Thứ hai, là việc tạo thị trường giao dịch cho cổ phiếu của công ty đại chúng, việc này UBCK đã giao cho TTGDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán phối hợp thực hiện.

Hiện nay, có một thực tế là số DN đăng ký công ty đại chúng thì nhiều (hơn 600 DN), nhưng số DN thực nộp hồ sơ đến UBCK còn rất ít. Do đó, UBCK sẽ áp dụng một số biện pháp (như xử phạt những DN lớn hoặc có tính đại diện không đăng ký công ty đại chúng) để buộc các DN phải thực hiện nghĩa vụ này. Việc tổ chức thị trường giao dịch sẽ được thực hiện lỏng hơn, theo hướng khuyến khích DN đưa cổ phiếu vào hệ thống giao dịch chung, chứ không ép buộc hay cưỡng bức. Thực tế, quản lý công ty đại chúng đòi hỏi phải có thời gian, bởi khối DN này cần có sự thấu hiểu chung về các quy định pháp luật, làm quen với các chuẩn mực về quản trị, công bố thông tin…, còn phía cơ quan quản lý cũng cần có thêm nhân lực để thực hiện yêu cầu này.

 

Dù UBCK đang nỗ lực quản lý công ty đại chúng và quản lý việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, nhưng hiện nay, nhiều DN vẫn lách luật theo hướng thực hiện phát hành riêng lẻ, vừa không phải công khai thông tin, vừa không phải chờ sự chấp thuận của UBCK. Tuy nhiên, rủi ro lại đẩy về phía nhà đầu tư, những người bỏ tiền mua cổ phiếu. UBCK có biết đến câu chuyện này không?

DN thực hiện phát hành riêng lẻ từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối đối với cơ quan quản lý, vì thực chất đây là một hình thức trá hình của phát hành đại chúng mà DN phát hành không phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Trước đây, UBCK đã trình Chính phủ dự thảo Quy định về quản lý việc phát hành riêng lẻ, nhưng sau đó chúng tôi được giao nhiệm vụ xây dựng một nghị định riêng về vấn đề này. Theo đó, chúng tôi dự tính sẽ phân việc quản lý DN phát hành riêng lẻ theo hướng UBCK quản lý việc phát hành của khối CTCK; Bộ Tài chính quản lý khối công ty bảo hiểm; Ngân hàng Nhà nước quản lý khối ngân hàng cổ phần… Đối với các DN khác sẽ được chuyển giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tại địa phương quản lý, chủ yếu là yêu cầu DN phải báo cáo và công bố thông tin để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi mua cổ phiếu.

 

Sau gần 1 năm Việt Nam gia nhập WTO, câu chuyện về hội nhập quốc tế đối với cơ quan quản lý TTCK và đối với DN tiến triển ra sao rồi, thưa ông?

UBCK Việt Nam hiện là thành viên của Hiệp hội Ủy ban Chứng khoán quốc tế (IOSCO) và các thành viên của tổ chức này đã ký thoả thuận về việc tuân thủ các quy định chung về thị trường sau năm 2010. Để chuẩn bị cho diễn biến này, UBCK đang tích cực triển khai việc hợp tác song phương với cơ quan quản lý TTCK các nước, đến nay đã ký thoả thuận hợp tác với cơ quan quản lý TTCK của Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… Ở cấp Sở/Trung tâm, chúng ta cũng đã ký thoả thuận hợp tác với Sở Giao dịch Chứng khoán New York , Malaysia , Hàn Quốc , Singapore

Việc UBCK Việt Nam hợp tác với các cơ quan quản lý TTCK nước ngoài nhằm hướng đến 2 mục tiêu lớn. Thứ nhất, tạo cầu nối trao đổi thông tin quản lý, nhằm hỗ trợ cho quá trình tìm hiểu và chấp thuận cho các tổ chức nước ngoài được đầu tư gián tiếp vào Việt Nam . Việc hợp tác này cũng đồng thời giúp Việt Nam tiếp cận với kinh nghiệm điều hành thị trường và nhận sự hỗ trợ về khả năng đào tạo cán bộ của các TTCK khác. Thứ hai, hợp tác nhằm tạo điều kiện cho các DN Việt Nam niêm yết tại TTCK nước ngoài. Đây là một bước ngoặt lớn đối với DN Việt Nam , đòi hỏi các DN phải có sự chuẩn bị chu đáo trước khi lên sàn ngoại.