Năm nay, có 5 DN trên HOSE thực hiện Báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn G4 của thế giới
“GIZ sẽ hỗ trợ UBCK phát triển chứng khoán xanh…”
TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh của GIZ cam kết như vậy, tại Hội nghị tổng kết Dự án Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và Công bố Dự án cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh, do UBCK phối hợp với GIZ vừa tổ chức trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - CHLB Đức.
“Trong phạm vi Dự án Cải cách khu vực tài chính xanh của Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh mà GIZ tiếp tục triển khai từ năm nay cho giai đoạn mới, chúng tôi sẽ hợp tác với UBCK triển khai thực hiện module Phát triển thị trường vốn xanh, với mục tiêu xây dựng chính sách, quy định nhằm hỗ trợ huy động vốn trên thị trường vốn phục vụ cho đầu tư xanh”, ông Michael Krakowski nói và cho biết, GIZ sẽ hỗ trợ UBCK và các thành viên thị trường hai nội dung chính.
Thứ nhất, xây dựng chính sách niêm yết xanh, trong đó quy định cụ thể yêu cầu công bố thông tin về danh mục đầu tư xanh của các công ty niêm yết và công ty xin niêm yết trên Sở GDCK, triển khai áp dụng các nguyên tắc trách nhiệm xã hội DN dưới hình thức bộ quy tắc ứng xử trên thị trường vốn.
Thứ hai, xây dựng đề án phát triển các sản phẩm tài chính xanh như: chỉ số xanh, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh…, để đáp ứng yêu cầu của các NĐT tổ chức đối với sản phẩm tài chính cho phép họ có thể tác động tích cực đến xã hội và môi trường, đồng thời đảm bảo được các mục tiêu tài chính của mình.
Chuyển động từ thực tế
Theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, UBCK, Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô của GIZ có module “Phát triển thị trường vốn” hỗ trợ cho UBCK giai đoạn 2005 - 2014 và hiện nay nằm trong Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2015 - 2017 (giai đoạn I).
Trong khuôn khổ hợp tác, GIZ đã hỗ trợ UBCK, Sở GDCK Hà Nội (HNX), Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) triển khai chương trình hoán đổi trái phiếu, chuyển chức năng thanh toán giao dịch trái phiếu chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước… Đặc biệt, GIZ hỗ trợ Bộ Tài chính, UBCK và các tổ chức thị trường tiếp cận với các hình thức mới như Thanh toán trung tâm (CCP), xây dựng đề án và đưa phương thức mới này vào dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc HNX cho biết thêm, gần đây nhất, GIZ tư vấn cho HNX xây dựng một số sản phẩm mới như: giao dịch tiền phát hành (When-Issued), trái phiếu không trả lãi (Zero coupon bond).
“Chúng tôi hy vọng, GIZ sẽ tiếp tục hướng trọng tâm hoạt động của mình giúp UBCK và các Sở GDCK hình thành các sản phẩm mới như: chỉ số xanh, trái phiếu xanh”, ông Dũng nói.
Liên quan đến hiện thực hóa xu hướng “xanh hóa” các sản phẩm chứng khoán, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE chia sẻ, theo bản kế hoạch hoạt động năm 2015 của GIZ, HOSE được tham gia nội dung “Phát triển thị trường vốn xanh”. Trong đó, HOSE đặc biệt quan tâm tới: thiết lập các tiêu chí về các công ty niêm yết xanh và công bố thông tin, báo cáo về phát triển bền vững; xây dựng và công bố chỉ số xanh; phát triển trái phiếu xanh…
“3 năm qua, trong khuôn khổ chương trình chấm và trao giải thưởng Báo cáo thường niên tốt nhất, HOSE đã trao giải cho các DN có Báo cáo phát triển bền vững theo chiến lược phát triển xanh của DN. Đặc biệt, trong năm nay, có 5 DN thực hiện Báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn G4 của thế giới”, bà Đào cho hay.
Sự hỗ trợ của GIZ trong 20 năm qua, theo Chủ tịch UBCK Vũ Bằng, đã giúp TTCK Việt Nam ngay từ những ngày đầu chưa hình thành, trong việc đưa ra các khuyến nghị về lựa chọn mô hình phát triển, xây dựng khung pháp lý, đào tạo cán bộ… Việc GIZ tiếp tục hỗ trợ TTCK Việt Nam theo các định hướng trên, nhất là xu hướng “xanh hóa” các sản phẩm chứng khoán, sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.