UAE và Cơ quan chống Biến đổi Khí hậu Liên hợp Quốc (UN Climate Change) ra mắt Thông cáo chung về COP28

UAE và Cơ quan chống Biến đổi Khí hậu Liên hợp Quốc (UN Climate Change) ra mắt Thông cáo chung về COP28

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 01/8/2023, Đặc phái viên Tổng thống về Biến đổi Khí hậu, kiêm Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ cao UAE - nước chủ nhà COP28, Tiến sĩ Sultan Al Jaber và Chủ tịch UN Climate Change, ông Simon Stiell đã cùng công bố bản Thông cáo chung về COP28.

Về tiến độ chuẩn bị của nước chủ nhà, Tiến sĩ Al Jaber cho biết, chỉ còn chưa đầy 125 ngày nữa, Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 28 (COP28) sẽ chính thức khai mạc.

Ông kêu gọi các quốc gia: “Cần tranh thủ mọi cơ hội để tập trung hành động và ý chí chính trị, nhằm hướng tới mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách trên tất cả các trụ cột của Thỏa thuận Paris và thực hiện đúng lộ trình để đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5⁰C”.

Thông cáo chung nêu rõ, khối G20 hiện đóng góp 85% GDP toàn cầu, nhưng cũng chính các quốc gia này đang thải ra tới 80% tổng lượng khí thải trên toàn thế giới. Vì vậy, các nước G20 cần phải đóng vai trò dẫn dắt để hoạch định một chương trình nghị sự phát triển toàn diện và đầy hoài bão, nhằm minh chứng với thế giới rằng, quá trình chuyển đổi hướng tới giảm phát thải ròng về 0 và một thế giới có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn khi thúc đẩy tăng trưởng, đạt được các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và hướng tới phát triển bền vững.

Mặc dù Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng G20 đã xem xét và thảo luận quá trình chuyển đổi năng lượng và điều chỉnh lộ trình hiện tại để phù hợp với các Mục tiêu của Thỏa thuận Paris, các kết quả đạt được đã không thể phát đi các tín hiệu đủ rõ ràng về tiến độ chuyển đổi hệ thống năng lượng toàn cầu, mở rộng quy mô các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch và giảm dần một cách có trách nhiệm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện nay.

“Hơn bao giờ hết, điều kiện tiên quyết để Hội nghị COP28 năm nay thành công tốt đẹp chính là sự đoàn kết. Toàn thế giới đã trải qua mùa hè nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay, trong khi biến đổi khí hậu tiếp tục tác động đến người dân mỗi ngày, đặc biệt là tại các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, và các nước này đều mong đợi chúng ta phải có hành động quyết đoán”, Tuyên bố chung nhấn mạnh.

Theo đó, bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stocktake) lần đầu tiên được công bố tại COP28 lần này sẽ phát đi những tín hiệu rất quan trọng. Đánh giá Toàn cầu không chỉ đánh giá các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, mà còn vạch ra một lộ trình tập thể để giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu khí hậu trong giai đoạn tới.

Bản Đánh giá Toàn cầu sẽ đưa ra các cam kết hành động mạnh mẽ và giàu tham vọng hơn trên tất cả các trụ cột của Thỏa thuận Paris. Đây là điều hết sức cần thiết để đảm bảo uy tín của bản Đánh giá, cũng như tăng cường tính toàn vẹn của quy trình đa phương trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC).

Cũng theo Thông cáo chung, giới khoa học đang rất kỳ vọng COP28 sẽ đưa ra các kết quả đáng kể về giảm thiểu lượng khí thải, từ đó hướng tới giảm mạnh phát thải khí nhà kính, và tiếp tục phát huy các thành tựu của các kỳ hội nghị COP trước đó. Các nước G20 được kêu gọi nắm giữ vai trò tiên phong về thực hiện các hành động khoa học và đảm bảo nguyên tắc công bằng, từ đó mở ra lộ trình với các điều kiện thuận lợi và mạnh mẽ, nhằm giúp các nước đang phát triển thực hiện được quá trình chuyển đổi năng lượng một cách công bằng.

Để đạt được mục tiêu trên, Tuyên bố chung nêu rõ, các quốc gia phải cùng nhau thực hiện các bước đi cần thiết nhằm đẩy nhanh quá trình khử cacbon, vốn không thể đảo ngược một cách có trách nhiệm; đồng thời tạo điều kiện để mọi người dân đều có khả năng chi trả được cho các nguồn năng lượng mà họ cần, thúc đẩy phát triển bền vững và tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu và tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực vào năm 2030, trong đó bao gồm thúc đẩy quá trình điện khí hóa và phương pháp làm mát tăng cường, là hai yếu tố rất quan trọng để đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra.

Các kết quả tích cực từ bản Đánh giá Toàn cầu sẽ thúc đẩy việc thực thi Chương trình Chuyển đổi Năng lượng Công bằng được ra mắt tại COP27, để đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra thực sự công bằng, không quốc gia nào bị bỏ lại phía sau, và hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó được với các thách thức to lớn về tăng trưởng trong khi họ khởi động quá trình chuyển đổi năng lượng, nhằm đạt được cả hai mục tiêu về giảm thiểu lượng khí phát thải và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Thông cáo chung nhấn mạnh, ngay khi nhiệt độ toàn cầu mới tăng lên 1,2⁰C, UN Climate Change đã nhận thấy tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu đến cuộc sống và sinh kế của người dân, nhưng đáng tiếc là “thế giới lại không có được một phản ứng đầy đủ ở cấp độ toàn cầu để giải quyết chúng”.

Một câu hỏi được đặt ra cho Hội nghị COP28 là liệu một chương trình nghị sự đầy tham vọng từ nay đến năm 2030 có thể giúp san lấp cách biệt về năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu giữa các quốc gia hay không? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng cung ứng được các nguồn tài chính khí hậu sẵn có, với mức giá phải chăng và dễ tiếp cận dành cho các nước đang phát triển.

Việc thu xếp các nguồn tài chính khí hậu cần phải được chuyển đổi để có thể cấp vốn đúng với quy mô cần thiết, sử dụng vốn một cách có hệ thống và hiệu quả hơn, và hỗ trợ huy động tài chính tư nhân ở mức độ chưa từng có.

Các cam kết đã đưa ra phải được Chính phủ các nước thực hiện ngay, trong đó có gói hỗ trợ 100 tỷ USD, tăng gấp đôi nguồn tài chính thích ứng và bổ sung nguồn vốn tài chính xanh (GCF). Các nước G20 cũng cần thể hiện được vai trò lãnh đạo của họ trong việc tích cực cân đối các dòng tài chính cho Thỏa thuận Paris, thông qua các ngân hàng phát triển đa phương và các phương thức khác.

Ngoài ra, Thông cáo chung nhấn mạnh các quốc gia sắp tham dự Hội nghị G20 “cần phải rời Chennai với một lộ trình đúng đắn cùng một tín hiệu rõ ràng, rằng các nước đã thực sự thể hiện ý chí chính trị để giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu. Mọi cuộc họp đều đáng giá, trong đó mỗi kết quả đạt được đều phải giúp các quốc gia xích lại gần nhau hơn.

Hội nghị COP28 sẽ giúp các nước cùng nhau hoạch định lộ trình hành động khí hậu, các cam kết về giảm thiểu, thích ứng và điều chỉnh các nguồn tài chính, để phù hợp với việc thực thi Thỏa thuận Paris. Thế giới cần thấy những nhà lãnh đạo của họ đoàn kết lại, cùng nhau hành động và đáp ứng các nguyện vọng của người dân. Và điều đó phải được bắt đầu từ các nước G20”.

Tin bài liên quan