U ám bức tranh kinh tế thế giới

Sau kinh tế Mỹ, kinh tế châu Âu và châu Á cũng phát đi những dấu hiệu không hề sáng sủa.

Tuần trước, dữ liệu phát đi từ Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho thấy, GDP trong quý 2 của nền kinh tế lớn nhất trong khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã sụt giảm 0,5% so với quý 1, đánh dấu quý tồi tệ nhất của kinh tế Đức trong hơn 5 năm trở lại đây.

 

So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 2 của Eurozone tăng trưởng âm 0,2%, và đây là quý đầu tiên nền kinh tế này tăng trưởng âm kể từ khi đồng Euro ra đời cách đây gần một thập kỷ.

 

Mới chỉ 6 tháng trước đây, kinh tế Eurozone có vẻ như được cách ly với những rắc rối mà “người láng giềng” bên kia Đại Tây Dương phải đương đầu. Tuy nhiên, hiện những khó khăn đó đã tấn công vào khu vực gồm 15 quốc gia này.

 

Trước khi những số liệu nói trên của kinh tế Eurozone được công bố không lâu, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đưa ra những nhận định khá bi quan về triển vọng phát triển kinh tế của nước này trong nửa sau của năm. BoE cho rằng, lạm phát tại Anh sẽ lên tới 5% trong năm nay do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, trong khi tăng trưởng kinh tế đình trệ.

 

Thống đốc BoE Mervyn King cho rằng, kinh tế Anh đang trải qua “một giai đoạn điều chỉnh đầy khó khăn”.

 

Tại châu Á, những thống kê mới công bố cũng cho thấy, Nhật Bản đang ngấp nghé bên bờ vực suy thoái. GDP trong quý 2 của Nhật co lại 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. “Đây là một con số đáng ngại. Tình hình chắc chắn sẽ xấu đi nhiều trong nửa sau của năm”, chuyên gia kinh tế trưởng Hideo Kumano của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life tại Tokyo nhận xét.

 

Hãng tin AP cho biết, trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, Canada và Italia là hai nền kinh tế khác công bố tốc độ phát triển kinh tế âm trong quý 2.

 

Thậm chí cả khi giá hàng hóa đã bắt đầu hạ xuống, cuộc khủng hoảng tín dụng và địa ốc ở Mỹ, cùng với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhiều năm qua, cũng gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng trên toàn thế giới nói chung.

 

Đối với Nhật Bản, ông Kumano cho rằng, mối đe dọa lớn nhất đến từ sự sụt giảm mạnh mẽ của thu nhập cá nhân. Hiện thu nhập cá nhân của người Nhật đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo chuyên gia này, tăng trưởng thu nhập của người Nhật trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm sau cùng lắm sẽ chỉ là 0,6%, so với mức dự báo 1,2% trước đó.

 

Các nền kinh tế khác ở châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, cũng sẽ không “miễn nhiễm” trước sự giảm tốc của các đầu tàu kinh tế thế giới. Những ngày Thế vận hội diễn ra tại Trung Quốc cũng là những ngày mà các doanh nghiệp ở nước này đang cảm nhận được sự khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

 

Một nhà phân tích chuyên về kinh tế Trung Quốc của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, ông Mingchun Sun dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nửa sau của năm nay sẽ giảm xuống còn 8,7% so với mức 11,4% của cả năm 2007 và 10,4% trong nửa đầu năm 2008.

 

Về kinh tế Mỹ, quý 2 vừa qua, nền kinh tế này tăng trưởng ở mức 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái và đây bị coi là một kết quả đáng buồn vì Chính phủ Mỹ đã bơm hàng trăm tỷ USD tiền khấu trừ thuế cho người dân và doanh nghiệp nước này trong quý.

 

"Thực sự là chúng tôi chưa nhận thấy sự chuyển biến tích cực nào”, CEO Rick Wagoner của hãng sản xuất ôtô General Motors (GM) nói. “Thị trường tín dụng vẫn rất thắt chặt. Thị trường nhà đất không những không khởi sắc mà còn tiếp tục xấu đi”, ông nhận định.

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, GDP toàn cầu tăng trưởng 3% trở xuống đồng nghĩa với một thời kỳ suy thoái. Mới đây, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm 2008 và 3,9% trong năm 2009, so với mức tăng 4,5% trong quý 1 của năm nay. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng, đây là những con số dự báo lạc quan quá mức.

 

Nhà kinh tế Gilles Moec thuộc Ngân hàng Bank of America nhấn mạnh việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD từ mức 5,25% xuống còn 2% để đối phó với khủng hoảng tín dụng, trong khi các ngân hàng trung ương khác chưa phản ứng đủ nhanh để hỗ trợ tăng trưởng.

 

Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) đã không hề tăng lãi suất từ mức 0,5% hiện nay suốt từ năm 1995 tới nay, nhưng hiện cũng không còn “room” để hạ lãi suất. Trong khi đó, BoE và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), với lãi suất đồng Bảng và Euro tương ứng là 5% và 4,25%, đã lựa chọn ưu tiên là chống lạm phát, thay vì chống sụt giảm tăng trưởng kinh tế.

 

Tuy nhiên, không phải không có những dấu hiệu tích cực. Nhà kinh tế Gilles Moec cho rằng sự đi xuống của giá dầu và các mặt hàng khác trong thời gian gần đây đã đem tới những tia hy vọng về sự khởi sắc kinh tế vào cuối năm nay. Giá dầu thế giới trong những ngày này dao động trong khoảng 113 - 115 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với kỷ lục 147 USD/thùng cách đây chưa lâu.

 

Nếu giá dầu và các hàng hóa khác tiếp tục giảm, có thể các công ty sẽ duy trì niềm tin ở mức đủ để không cắt giảm quá mạnh số lượng việc làm, và những điều tồi tệ nhất trong nền kinh tế nhờ thế sẽ không xảy ra.

 

“Mọi cái đều phụ thuộc vào giá dầu”, ông Moec phát biểu.

 

Tuy những số liệu kinh tế vừa công bố khá ảm đạm, các quan chức Nhật Bản vẫn tỏ ra lạc quan. Bộ trưởng Kinh tế của nước này, ông Kaoru Yosano cho rằng, kinh tế Nhật đi xuống chủ yếu là kết quả của những yếu tố bên ngoài như giá dầu cao và bày tỏ sự tin tưởng rằng, nền kinh tế này sẽ sớm phục hồi.

 

So với quý 1, GDP quý 2 của Nhật giảm 0,6%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2001 tới nay. Và không giống như các ngân hàng phương Tây khác, các ngân hàng của Nhật hiện tỏ ra khá “vững vàng” nhờ một thập kỷ tái cơ cấu trước đó. Các nhà phân tích cho rằng, kinh tế đi xuống sẽ không có quá nhiều tác động xấu tới các ngân hàng ở nền kinh tế này.