Theo báo cáo tổng kết bán niên 2019 của VOF - VinaCapital, tại thời điểm cuối tháng 6/2019, NAV của VOF đạt 944,5 triệu USD, NAV/share 5,11 USD. Nửa đầu năm, VOF đạt hiệu suất âm 0,5% (NAV/share).
Cơ cấu tài sản VOF tập trung 69% là các cổ phiếu niêm yết, chưa niêm yết 17,7%. Trong danh mục, chiếm tỷ trọng lớn nhất là bất động sản và xây dựng là 18,8%NAV, vật liệu xây dựng 15,6%NAV.
Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VOF có HPG 11,4%NAV; KDH 9,2%; ACV 8,4%, PNJ 6,2%, VNM 5,9%, EIB 5,2%, QNS 3,2%, VJC 3%%; CTD 2,7% và OCB 2,5%.
VOF cho rằng, nhà đầu tư trông chờ kết quả tích cực từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 (Nhật Bản) vào cuối tháng 6/2019, các thị trường trên thế giới đã chứng kiến sự tăng điểm, chỉ số các thị trường mới nổi tăng 5,7%, S&P500 tăng 6,9%, nhưng chỉ số chứng khoán Việt Nam là VN-Index giảm 0,6% trong tháng 6.
Theo VOF, điểm tích cực liên quan đến thương mại Việt Nam là Liên minh châu Âu và Việt Nam đã ký một thỏa thuận thương mại tự do được chờ đợi từ lâu (EVFTA). Theo đó, trong vòng một vài năm, sẽ bãi bỏ thuế đối với gần như 100% của hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang khối EU. Giảm thuế sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho hàng hoá Việt Nam so với các đối thủ từ Trung Quốc và các nước ASEAN khác.
Đối với thị trường chứng khoán, VOF nhận định, các nhà đầu tư ngoại ngày càng lớn trên thị trường. Đa số khối ngoại đang chờ đợi tín hiệu lãi suất từ cuộc họp của FED vào cuối tháng 7/2019. Kết quả cuộc họp sẽ ảnh hướng tới quyết định của giới đầu tư ở các thị trường mới nổi, cận biên nói chung, trong đó có Việt Nam. Giới đầu tư tin chắc FED sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp này.
Liên quan đến đợt đánh giá xếp hạng thị trường của MSCI trong tháng 6 vừa qua, Việt Nam vẫn chưa lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Trong khi đó, MSCI dự kiến nâng hạng thị trường Kuwait lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2020.
Mặc dù không có gì chắc chắn, nhưng nếu Kuwait được nâng hạng thì tỷ trọng của Việt Nam sẽ lên mức cao nhất trong rổ thị trường cận biên, có thể lên tới 30%, so với mức hiện tại là 15-18% - mức mà Việt Nam có được sau khi Argentina trở thành EM trong tháng 6/2019.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP giảm xuống mức 6,76%, PMI lại tăng từ 52 lên 52,5 trong tháng 6 nhờ số lượng đơn hàng tăng lên đỉnh nửa đầu năm. VOF cho rằng, PMI của Việt Nam là một trong số ít quốc gia có chỉ cố PMI trên 50 và cũng nằm trong số ít quốc gia tăng điểm so với tháng trước.
Tuy nhiên, VOF lo ngại về khả năng giảm tốc liên tục của nền kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Nửa đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giảm, ở mức 1% trong khi cùng kỳ là 28%, điều này được lý giải bởi mặt hàng điện thoại di động xuất khẩu sang Trung Quốc giảm tới 46%.
Tăng trưởng xuất khẩu chung của Việt Nam đã giảm về 7% so với mưc 16% cùng kỳ, thặng dư thương mại giảm từ 3%GDP trong nửa đầu năm 2018 về mức gần 0% trong nửa đầu năm 2019.
Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 27% so với cùng kỳ, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng 22% so với cùng kỳ. Điều này dẫn đến lo ngại rằng, các công ty đang nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc, và về cơ bản tái xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ để phá vỡ mức thuế Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Những lo ngại này được khuếch đại bởi ý kiến từ Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông Trump cho rằng bị Việt Nam lạm dụng thương mại .
VOF không cho rằng Việt Nam trở thành mục tiêu sẽ bị Mỹ áp hàng rào thuế quan vì một vài lý do, bao gồm các yếu tố địa chính trị. Thị trường dường như đồng tình điều này, bằng chứng là một sự tăng giá 0,6% của tiền đồng Việt Nam trong tháng 6.
Việt Nam tiếp tục chứng kiến một lượng lớn khách du lịch quốc tế, dù mức tăng trưởng chỉ 8% (cùng kỳ là 27%). Sự suy giảm 6% so với cùng kỳ đối với lượng khách du lịch Trung Quốc góp phần lớn dẫn đến sự tăng trưởng chậm hơn. Lưu ý rằng, du khách nước ngoài đóng góp hơn 10% doanh thu bán lẻ của Việt Nam.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ thực tế của Việt Nam về cơ bản không thay đổi, ở mức gần 9% so với cùng kỳ do tâm lý mạnh mẽ của người tiêu dùng địa phương; tiêu dùng Việt Nam xếp thứ ba về lạc quan nhất trên thế giới, theo thống kê của Nielsen.