Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2017, khi MSCI công bố bổ sung cổ phiếu hạng A của Trung Quốc vào chỉ số. Tỷ trọng hiện tại thấp hơn khoảng 16 điểm phần trăm so với tỷ trọng cao nhất của nước này vào năm 2020.
Caesar P. Maasry, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược tài sản chéo thị trường mới nổi tại Goldman Sachs cho biết: “Tác động của Trung Quốc đối với các thị trường mới nổi đã giảm sút trên một số mặt. Rõ ràng nhất là sự suy giảm về mức độ đại diện trong chỉ số MSCI thị trường mới nổi, nhưng điều quan trọng không kém là tác động lan tỏa kinh tế của Trung Quốc sang các thị trường mới nổi khác dường như cũng đang suy yếu. Theo đó, chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư sẵn sàng bày tỏ quan điểm hơn trong khu phức hợp thị trường mới nổi mà không yêu cầu quan điểm lạc quan cơ bản về Trung Quốc”.
Các nhà đầu tư toàn cầu đang giảm mức độ đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc khi nền kinh tế nỗ lực phục hồi hậu đại dịch, những thay đổi về quy định làm tăng rủi ro khi đầu tư vào nước này và niềm tin trong nước vẫn bị suy giảm sau cuộc khủng hoảng nợ tàn phá lĩnh vực bất động sản. Chứng khoán Trung Quốc đã mất gần 4.000 tỷ USD giá trị thị trường kể từ năm 2021, và là một trong những chỉ số có hiệu suất thấp nhất vào năm ngoái với xu hướng tiếp tục kéo dài sang đầu năm 2024.
Nenad Dinic, chiến lược gia cổ phiếu tại Bank Julius Baer cho biết: “Tỷ trọng thấp hơn của Trung Quốc trong các chỉ số thị trường mới nổi phản ánh hiệu quả hoạt động kém của thị trường, vị thế của nhà đầu tư giảm và dòng vốn chảy ra đáng kể. Dữ liệu kinh tế yếu kém liên tục và các biện pháp quản lý chặt chẽ trong dịp nghỉ lễ đã phủ bóng đen lên triển vọng thị trường chứng khoán Trung Quốc”.
Tỷ trọng của cổ phiếu Trung Quốc trong chỉ số MSCI thị trường mới nổi |
Sự sụt giảm bất ngờ
Mục tiêu hội nhập với thị trường chứng khoán toàn cầu kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc đã mang lại kết quả vào năm 2017, khi MSCI bổ sung cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi. Việc đưa vào bắt đầu từ ngày 1/6/2018 và được thực hiện qua nhiều giai đoạn. Vào thời điểm đó, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chỉ số toàn cầu của MSCI, Sebastien Lieblich cho biết tỷ trọng của Trung Quốc trong chỉ số thị trường mới nổi dự kiến sẽ đạt 42%.
Trung Quốc dường như đang trên đà đạt được cột mốc quan trọng đó khi các nhà phân bổ tài sản bắt đầu bơm hàng tỷ đô la để tái cân bằng danh mục đầu tư và tiếp cận nhiều hơn với chứng khoán Trung Quốc. Citigroup dự đoán dòng tiền đổ vào cổ phiếu Trung Quốc hàng năm là 48 tỷ USD, trong khi MSCI cho biết bản thân việc đưa vào chỉ số ban đầu có thể thu hút 17 tỷ USD vào các quỹ đầu tư thụ động và tăng lên 35 tỷ USD trong những năm sau đó.
Việc được MSCI đưa vào chỉ số thị trường mới nổi đã giúp bổ sung thêm 8.000 tỷ USD vốn hóa thị trường vào chứng khoán Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2021. Quốc gia này đã thống trị các thị trường mới nổi đến mức các nhà quản lý tiền tệ phàn nàn về việc thiếu sự quan tâm và vốn dành cho các quốc gia đang phát triển khác.
Nhưng đại dịch Covid đã làm gián đoạn xu hướng này và những diễn biến tiếp theo đã khiến nhiều nhà đầu cơ giá lên ở Trung Quốc mất cảnh giác. Rủi ro pháp lý gia tăng đối với các công ty phương Tây hoạt động tại Trung Quốc, chính sách kiểm soát Covid nghiêm ngặt, căng thẳng địa chính trị với Mỹ và cuộc khủng hoảng bất động sản đã gây ra một số vụ phá sản đều góp phần tạo ra sự thay đổi trong tâm lý thị trường.
Những yếu tố đó đã đẩy tỷ trọng chỉ số của Trung Quốc xuống mức thấp nhất từ trước đến nay kể từ khi cổ phiếu Trung Quốc được thêm vào MSCI.
Điểm yếu mở rộng
Bank of America cho biết, đến tháng 12/2023, Trung Quốc đã trở thành thị trường chứng khoán ít được yêu thích nhất ở châu Á. Diễn biến đầu năm nay cũng không khá hơn, chỉ số Hang Seng China Enterprise Index và chỉ số CSI 300 đã giảm hơn 4%.
Sự sụt giảm tỷ trọng chỉ số của Trung Quốc đang được bù đắp bằng mức tăng ở các thị trường mới nổi lớn khác. Đến tháng 12/2023, Ấn Độ đã tăng tỷ trọng lên mức kỷ lục 16,7% trong chỉ số MSCI, cao hơn gấp đôi tỷ trọng 7,7% mà nước này có vào tháng 3/2020. Đài Loan (Trung Quốc) ở mức 16%, Hàn Quốc ở mức 12,9%, Brazil ở mức 5,8% và Ả Rập Xê Út ở mức 4,2%, tỷ trọng ở những thị trường này đều gia tăng so với thời điểm tháng 3/2020.
Trong khi đó, bất kỳ sự phục hồi nào đều có thể mang tính chiến thuật, khó có thể ngăn chặn được sự suy giảm dài hạn.
“Cả định giá và vị thế của nhà đầu tư đối với cổ phiếu Trung Quốc đều đang tiến gần đến mức thấp lịch sử, điều này cho thấy đáy thị trường có thể đã gần kề. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự phục hồi sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”, chiến lược gia Nenad Dinic cho biết.