Wang Jianlin từng là người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: The Issue

Wang Jianlin từng là người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: The Issue

Tỷ phú từng giàu nhất Trung Quốc vật lộn với khó khăn

Công ty của Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm) đã phải bán tài sản, và được cho là đang vật lộn với nợ nần cũng như các biện pháp kiểm soát của Chính phủ.

Wang Jianlin là người đã biến Dalian Wanda thành một trong những hãng bất động sản hàng đầu Trung Quốc. Ông còn mạnh tay đầu tư ra nước ngoài, tạo danh tiếng tại Hollywood khi mua chuỗi rạp phim Mỹ AMC và hãng phim Legendary Entertainment.

Cách đây vài tháng, Wang vẫn còn là người giàu nhất Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, ông đã bị ông chủ Alibaba - Jack Ma vượt mặt. Hiện Wang chỉ đứng thứ 2 với 30,4 tỷ USD.

Giới chức Trung Quốc được cho là đang đề nghị các ngân hàng và tổ chức tài chính ngừng cho vay với nhiều công ty tên tuổi, trong đó có Dalian Wanda.

Việc này đã khiến hãng đột ngột phải bán công viên mô phỏng và nhiều khách sạn để huy động tiền mặt và giảm nợ. Gần đây, thương vụ này càng trở nên rắc rối khi họ bị các ngân hàng kiểm tra rủi ro tín dụng.

“Chiến lược kinh doanh của công ty đang thay đổi. Và nó hơi khó đoán trước”. Cindy Huang - nhà phân tích tại S&P Global Ratings cho biết trên BBC, “Chỉ mới vài tuần trước, Wang còn ký duyệt các dự án công viên mới.

Nhưng sau đó, ông ấy quyết định bán 91% cổ phần các công viên và khách sạn cho một đối thủ. Giao dịch này không hề bình thường”.

Ngay sau đó, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cũng hạ triển vọng của Dalian Wanda Commercial Properties và Wanda HK xuống “tiêu cực” do “động thái bán tài sản bất ngờ”. Dù vậy, đáp trả những đồn đoán về tình hình tài chính của công ty, Wang vẫn tỏ ra khá lạc quan.

Một số người thực sự quan tâm đến chúng tôi, nhưng những kẻ khác thì chỉ muốn gieo rắc tin đồn và mong chúng tôi gặp rắc tối.

Họ nói chúng tôi nợ 400 tỷ NDT (59,2 tỷ USD) hoặc đã đi vay 400 tỷ NDT từ ngân hàng. Việc này hoàn toàn sai”, ông cho biết trong một sự kiện tại Bắc Kinh tuần trước. Ông cũng khẳng định dòng tiền của Wanda sẽ được cải thiện đáng kể sau việc bán tài sản.

Tỷ phú từng giàu nhất Trung Quốc vật lộn với khó khăn ảnh 1

 Công viên mô phỏng của Dalian Wanda từng muốn cạnh tranh với Disneyland. Ảnh: AP

Giới quan sát thì cho rằng bước ngoặt xảy đến với doanh nhân kỳ cựu như Wang là do chiến dịch ngăn các công ty đưa tiền ra nước ngoài của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong khi rất nhiều người phương Tây lo ngại về “thiên nga đen” - những sự kiện bất ngờ, hiếm gặp đe dọa thị trường tài chính, Trung Quốc lại phải săn lùng “tê giác xám”.

Thuật ngữ này ám chỉ các vấn đề lớn, rõ ràng trong nền kinh tế, nhưng lại bị bỏ qua. Người ta thường chỉ chú ý đến nó cho đến khi nó bắt đầu tăng tốc và san bằng mọi thứ trên đường.

Trong trường hợp này, thuật ngữ trên áp dụng với nhóm công ty lớn đang phát triển mạnh và đi vay nhiều, nhưng giới chức lại khó kiểm soát. Tờ People’s Daily gần đây đã cảnh báo Trung Quốc nên kiểm soát "những con tê giác xám" này, ngoài Dalian Wanda, họ còn cần để mắt tới HNA Group, Fosun International và Angbang Insurance.

Cổ phiếu và trái phiếu các công ty này đã giảm mạnh khi nhà đầu tư cố tìm ra ưu tiên kinh tế mới của Bắc Kinh. “Sẽ chẳng ai động đến các công ty này một thời gian nữa đâu.

Cũng đừng kỳ vọng họ sẽ đầu tư hay mua thêm tài sản nước ngoài. Họ sẽ im lặng một thời gian nữa”, Dickie Wong tại Kingston Financial Services cho biết.

Dù vậy, trong quá khứ, các công ty như Dalian Wanda lại rất được Bắc Kinh khuyến khích. Thời gian gần đây, các công ty Trung Quốc là những nhà đầu tư tích cực trên thị trường bất động sản Anh, Mỹ và Australia. Sức mua này được thúc đẩy nhờ các khoản vay giá rẻ từ các ngân hàng quốc doanh.

“Tôi có chút đồng cảm với Wanda, HNA và các công ty tương tự”, Christopher Balding - giảng viên kinh tế - chính trị tại Đại học Bắc Kinh cho biết, “12 tháng trước, việc họ đang làm được giới chức khuyến khích, vì Bắc Kinh muốn tăng quyền lực mềm. Nhưng còn giờ đây, họ rõ ràng đã rơi vào mớ bòng bong”.

Dù vậy, đây không chỉ là vấn đề của Trung Quốc. Nếu các công ty nước này ngừng tiêu tiền bên ngoài, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ chịu tác động.

Tiền của Trung Quốc đã giúp đẩy giá bất động sản nhiều nơi lên. Dù điều này không phải lúc nào cũng tốt, như tại các thành phố London, Sydney hay Melbourne chẳng hạn.

Khi nhu cầu của các doanh nghiệp Trung Quốc đi xuống, giá tài sản toàn cầu có thể cũng giảm theo.

Bắc Kinh đang khuyến khích nền kinh tế mở. Nhưng có vẻ chuyện này chỉ diễn ra một chiều. Họ có các chương trình kết nối, cho phép tiền từ nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán nước này. Ngược lại, tiền chảy ra khỏi Trung Quốc sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Tin bài liên quan