Richard Branson, doanh nhân, tỷ phú, người truyền cảm hứng sống phóng khoáng đang dành phần lớn thời gian của mình trên hòn đảo riêng. Cuộc sống của ông hẳn đã “hoàn hảo” nếu như sự kiện Virgin Australia phá sản gây sóng gió trong thời gian qua và câu chuyện tài chính của vị tỷ phú này bỗng thu hút sự chú ý.
Các lệnh hạn chế đi lại trên toàn cầu vì đại dịch đã khiến hoạt động của các hãng hàng không, du lịch, công ty lữ hành lao đao. Trong đó, các doanh nghiệp của tỷ phú Richard Branson cũng là nạn nhân.
Vị tỷ phú này đã chi 250 triệu USD để hỗ trợ nhiều công ty thuộc Virgin Group, nhưng đa phần khối tài sản trị giá 5,9 tỷ USD của ông lại “không phải là tiền mặt trong tài khoản để có thể rút ra”. Đây là điều mà vị tỷ phú này giãi bày trong bức thư vừa được công bố.
Nối gót Virgin Australia Hodings Ltd, mới đây, Virgin Atlantic Airways Ltd cho biết, công ty đang trên bờ vực phá sản nếu không được chính phủ Anh cung cấp khoản vay khẩn cấp. Virgin Atlantic Airways là hãng hàng không mà tỷ phú Richard Branson cùng liên kết đầu tư với hãng Delta Air Lines Inc của Mỹ. Trước đó, hãng hàng không Flybe của Anh cũng đã phá sản và Virgin là cổ đông thiểu số tại đây.
Theo giới chuyên gia, có nhiều lý do khiến việc huy động tài chính của vị tỷ phú này gặp khó khăn, khi chính phủ các quốc gia ngần ngại cung cấp khoản hỗ trợ, trong khi nhiều nhà đầu tư cũng không muốn rót vốn.
Cụ thể, Richard Branson có nhiều khoản đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp, nhưng ông không hoàn toàn sở hữu công ty nên khó có thể hoán đổi các khoản đầu tư hay rút vốn một cách nhanh chóng. Đáng chú ý, việc đặt tên “Virgin” cho mọi doanh nghiệp tham gia góp vốn khiến Richard Branson bị hiểu nhầm rằng vị tỷ phú này nắm trong tay mọi hoạt động và không cần thiết được “giải cứu”.
Thực tế, Richard Branson sở hữu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp tên tuổi như Virgin Media, Virgin Money UK Plc, Virgin Active (chuỗi phòng tập gym), Virgin Trains USA (doanh nghiệp điều hành các đoàn tàu cao tốc tại Florida), Virgin Galactic (tổ chức tour du lịch), Virgin Books (nhà xuất bản sách)… nhưng không phải là người sở hữu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số hoạt động kinh doanh của Richard Branson đã gặp khó khăn trước khi đại dịch diễn ra. Chẳng hạn, Virgin Atlantic đã thua lỗ trong 2 năm qua, sở hữu nhiều khoản nợ… Virgin Galactic Holdings Inc chật vật kinh doanh khi lĩnh vực tổ chức tour du thuyền, khách sạn, thậm chí là du lịch không gian… trầm lắng.