Kỳ họp Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Vingroup sáng 11/5 (Ảnh: K.T)

Kỳ họp Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Vingroup sáng 11/5 (Ảnh: K.T)

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Bất động sản là ngành quan trọng của nền kinh tế

Theo Chủ tịch Vingroup, lĩnh vực bất động sản có 270 ngành nghề phụ trợ. Do đó, việc siết tín dụng sẽ không hướng đến các dự án giải quyết nhu cầu cho người ở thật sự.

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên Tập đoàn Vingroup (mã VIC - HoSE) tổ chức sáng nay (11/5), bên cạnh lĩnh vực ô tô điện VinFast, nhiều câu hỏi đã được các cổ đông gửi tới ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup liên quan tới lĩnh vực bất động sản.

Liên quan đến vấn đề thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản và chính sách đất đai có thể thay đổi trong tương lai khi mà Quốc hội sẽ sửa Luật Đất đai năm 2013, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho rằng, chính sách càng hoàn thiện thì những doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp chân chính càng dễ làm, càng thuận lợi.

“Vinhomes của chúng ta là một doanh nghiệp làm ăn rất đoàng hoàng, rất nghiêm túc, thượng tôn pháp luật. Vậy thì đấy là cơ hội không phải là thách thức. Chúng tôi không chia lô bán nền, không làm dự án ảo, không chụp giật, mà càng làm thì càng tạo ra giá trị", ông Vượng khẳng định.

Ông Vượng cho biết, các đơn vị tư vấn, nghiên cứu xác định, chi phí về đất trong một căn nhà, bất kể chung cư hay thấp tầng chỉ chiếm cao nhất là 30%, còn 70% là chi phí khác. Để xây dựng một khu đô thị thì 5 nhóm chi phí: tiền đất; tiền đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị (đường xá, chiếu sáng, cấp thoát nước, xử lý nước thải…); đầu tư hạ tầng dịch vụ và tiện ích (trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi…); đầu tư xây dựng nhà và chi phí thương hiệu.

“Hiện nay, ngay như tại Vinhomes Riverside có giá đắt hơn ngay khu bên kia đường khoảng 2 - 3 lần. Đấy chính là giá trị thương hiệu, giá trị về tiện ích và hạ tầng mà chúng ta mang lại”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho hay.

Ông chủ Vingroup nhấn mạnh, Vinhomes phát triển mạnh các giá trị và dịch vụ về sau chứ không phải là đất đai. Do đó, khi chính sách càng minh bạch, chặt chẽ thì công ty lại càng có cơ hội phát triển.

Cũng theo Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, bất động sản là ngành quan trọng của nền kinh tế, có 270 ngành nghề phụ trợ đi theo.

"Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng ví dụ Ngân hàng Nhà nước có thể hướng đến siết các dự án ảo, siết vào câu chuyện đi mua đất vùng sâu vùng xa, đất nông nghiệp để chờ giải phóng mặt bằng… Còn với các dự án giải quyết nhu cầu của người ở thì không thể siết", ông Vượng nói.

Trả lời câu hỏi của một cổ đông khác liên quan đến khả năng tham gia đầu tư Vành đai 4 Vùng Thủ đô, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, Vingroup đã được Hà Nội mời tham gia đầu tư dự án này. Tuy nhiên, Tập đoàn có thể chỉ tham gia ở góc độ xây dựng, còn phần thu xếp vốn sẽ do các ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia.

“Vingroup chỉ muốn dồn nguồn lực vào các dự án lớn đang theo đuổi”, ông Vượng nói.

Ngoài ra, Vingroup hiện chưa có kế hoạch làm các dự án bất động sản xung quanh đường Vành đai 4, mà chỉ tập trung làm các dự án bất động sản lớn đang thực hiện.

Về bất động sản công nghiệp, Vingroup vẫn đang tìm kiếm và hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Theo nội dung Tờ trình của Hội đồng quản trị, sau thành công của 3 đại đô thị là Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park, công ty sẽ ra mắt thị trường 3 đại dự án mới trong năm 2022 tại những thành phố lớn có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, giàu tiềm năng phát triển với nhu cầu nhà ở không ngừng tăng nhanh. Với nền tảng thị trường ổn định, doanh số bán hàng năm 2022 kỳ vọng mức tăng trưởng tốt.

Tin bài liên quan