Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra “nhận diện” về thực trạng đầu tư và phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, thời gian qua, công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Hoạt động của các cụm công nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực di dời các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.
Cụ thể là công tác lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp gặp khó khăn do chồng chéo trong các quy định của pháp luật về thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư.
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp triển khai chậm, chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa đồng bộ (tỷ lệ đầu tư hạ tầng còn thấp so với quy hoạch được phê duyệt).
Đa số các cụm công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung… ảnh hưởng đến việc thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp.
Hoạt động của một số doanh nghiệp tại cụm công nghiệp không hiệu quả, tình trạng sản xuất kinh doanh còn cầm chừng.
Cùng với đó, một số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng triển khai chậm, nguyên nhân chủ yếu do thiếu quỹ đất sạch để triển khai.
Một số dự án thiếu khả năng tài chính đảm bảo đầu tư; một số dự án gặp khó khăn đã ngừng hoạt động…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng “nhận diện” công tác quản lý các cụm công nghiệp ở một số ngành, địa phương còn nhiều yếu kém.
Đối với các cụm công nghiệp đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu chính quyền cấp huyện, thành phố rà soát, phê duyệt quy hoạch chi tiết đúng quy định, triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa, quản lý đất đai theo quy hoạch, có giải pháp cụ thể (đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, thu hút đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp) để sớm đưa cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
Đối với các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu chính quyền cấp huyện, thành phố tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn, như: về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp; hiệu quả sử dụng đất trong cụm công nghiệp; về thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, những khó khăn vướng mắc còn tồn tại…; giải quyết dứt điểm các tổ chức, cá nhân đã thuê đất trong cụm công nghiệp nhưng chậm triển khai dự án theo tiến độ cam kết hoặc sang nhượng trái phép để có biện pháp trong công tác quản lý, đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; đề xuất giải pháp đầu tư hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải chung của cụm công nghiệp theo quy định.
UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về cụm công nghiệp đối với các vướng mắc phát sinh ngoài kế hoạch thanh tra, kiểm tra được UBND tỉnh phê duyệt; kịp thời xử lý hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý vi phạm (nếu có), vấn đề phát sinh về công tác quản lý cụm công nghiệp; thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thanh tra chuyên ngành thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong cụm công nghiệp; quản lý thông tin, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về cụm công nghiệp, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư vào cụm công nghiệp.
Sở Công thương phải chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình hợp tác, liên kết, xúc tiến đầu tư với các tỉnh, thành phố trong phát triển cụm công nghiệp phù hợp với phương án phát triển cụm công nghiệp; xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư, các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư…