Tỷ lệ bao phủ nợ xấu các ngân hàng sụt giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng tăng thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng nợ xấu/tổng dư nợ xấu) ở hầu hết các nhà băng sụt giảm, do lợi nhuận không đạt kế hoạch.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu các ngân hàng sụt giảm

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm

Trước áp lực tăng nợ xấu, nhiều ngân hàng đã tích cực trích lập nâng bộ đệm dự phòng rủi ro, nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng của nợ xấu.

Theo thống kê tại 28 ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023, tổng số dư dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 16,7% so với đầu năm 2023, lên gần 200.000 tỷ đồng đến hết quý III, song vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng nợ xấu (tăng 52%).

Vì thế, có đến 27/28 ngân hàng đã báo cáo tài chính quý III có tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm so với đầu năm nay, kể cả ngân hàng lớn. Trong đó, những nhà băng giảm mạnh nhất có MB, TPBank, LPBank, Sacombank, ACB, Techcombank giảm lần lượt 116,1%, 88%, 74,6%, 66,8%, 64,7%, 64,3% so với đầu năm 2023.

Ngược lại, duy nhất một ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên so cuối năm ngoái đó là BaoVietBank khi đạt 30%, tăng 0,8% so với đầu năm nay.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ dự phòng rủi ro của các nhà băng đến cuối tháng 9/2023 vẫn ở mức khá cao, như MB đạt 122%, ACB đạt 94,6%, Techcombank đạt 93%, LPBank đạt 67%, Sacombank đạt 64,2% và TPBank đạt 47%.

Tính đến thời điểm hiện tại, Vietcombank vẫn là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất trong ngành khi đạt mức hơn 270% đến cuối tháng 9/2023, dù đã giảm gần 50% so với đầu năm nay do số dư nợ xấu của nhà băng này đến cuối quý III/2023 tăng 84%.

Tương tự, BIDV, Vietinbank, Bac A Bank cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong 9 tháng đầu năm nay, với mức giảm lần lượt 58,5%, 15,9% và 59,6%. Song tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các nhà băng này vẫn tương đối cao so với ngân hàng top dưới. Cụ thể, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietinbank đến cuối quý III/2023 đạt 172,4%, BIDV đạt 158,4% và Bac A Bank đạt 144,2% so với đầu năm nay.

Các ngân hàng còn lại có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên dưới 50%, nhưng nhìn chung giảm mạnh so với cuối năm 2022.

Đáng chú ý, nếu vào cuối năm 2022, có 10/28 ngân hàng đạt tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt ngưỡng 100%, thì sang cuối quý III/2023 chỉ còn 5 nhà băng vượt ngưỡng này là Vietcombank, MB, Vietinbank, BIDV, Bac A Bank; các ngân hàng khác là SeABank, ACB, Techcombank và LPBank đều tụt xuống dưới 100%.

Khi nợ xấu của ngân hàng tăng

Sở dĩ tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết ngân hàng giảm là do nợ xấu có dấu hiệu gia tăng trong 9 tháng đầu năm nay, nhất là vào quý III/2023. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng của các ngân hàng trong quý III/2023 phản ánh chân thực nhất về những khó khăn trong nền kinh tế.

Nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của Saigonbank đến cuối tháng 9/2023 tăng 9,4% với 435 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu nhích lên 2,23%.

Tương tự, chất lượng nợ vay của PGBank cũng không mấy cải thiện khi tổng nợ xấu tại thời điểm 30/09/2023 là 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2023. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% lên 2,61%.

Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ABBank cũng tăng từ mức 2,88% đầu năm lên 3,51% đến cuối tháng 9/2023. Do đó, Ngân hàng phải dành ra gần 1.051 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 99% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo lợi nhuận chỉ còn hơn 708 tỷ đồng trước thuế sau 3 quý đầu năm, giảm 59% so với cùng kỳ và mới chỉ hoàn thành 25% mục tiêu cả năm.

Tại VietABank, hơn 96% nợ có khả năng mất vốn, chiếm hơn 1.000 tỷ đồng trong tổng nợ xấu. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,53% đầu năm lên 1,69%. Vì thế, nhà băng này cũng khó tránh sụt giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu, với mức giảm 5% so đầu năm nay.

Tỷ lệ nợ xấu ở một số nhà băng vượt 3% đến cuối quý III/2023 như: VietBank từ 3,65% đầu năm nay lên 4,06% đến cuối quý III/2023 kéo tỷ lệ bao phủ nợ xấu xuống 26%, giảm nhẹ so với đầu năm nay. Trong khi đó, tổng nợ xấu tính đến ngày 30/09/2023 của BaoVietBank là 1.536 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay nâng từ 3,34% đầu năm lên 3,98%... nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng 0,8%.

Theo ghi nhận, tổng nợ xấu của 28 ngân hàng đã báo cáo tài chính đến cuối quý III/2023 tăng 52% so với đầu năm lên hơn 210.000 tỷ đồng. Trong đó, có 19 ngân hàng có nợ xấu tăng trưởng hai chữ số, 6 ngân hàng nợ xấu ba chữ số so với thời điểm cuối năm trước, không có ngân hàng nào có nợ xấu giảm.

Kể cả với ngân hàng lớn như Vietcombank, luôn nằm trong nhóm có chất lượng tài sản tốt trong ngành cũng có thêm hơn 6.500 tỷ đồng nợ xấu sau 3 quý đầu năm nay, tương đương mức tăng 84%, đạt 14.393 tỷ đồng, đã đưa tỷ lệ nợ xấu từ 0,68% cuối năm trước lên 1,21%, song con số này vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung các ngân hàng hiện nay.

Trong đó, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 87,5%; nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) gấp 7,1 lần; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gấp 7,3 lần con số cuối năm trước trong khi nợ nhóm 5 giảm 14%. Tuy nợ xấu tăng, nhưng Vietcombank cũng tăng mạnh bộ đệm dự phòng rủi ro thêm gần 57% với 38.872 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 270%, dù đã giảm so với ngưỡng 385% vào cuối quý II nhưng vẫn ở mức cao so với bình quân ngành.

BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất với 26.394 tỷ đồng, tăng 50% so với cuối năm trước. Trong nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước, VietinBank là ngân hàng có mức tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 20% so với đầu năm) với gần 19.000 tỷ đồng.

Về vấn đề nợ xấu tăng nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm có đáng ngại và rủi ro cho toàn hệ thống, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, rủi ro là khó tránh nếu nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ dự phòng giảm. Tuy nhiên, hiện nay, Ngân hàng cũng dần cạn “của để dành” để trích lập thêm dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động trong năm nay lại khá cao nên buộc lòng trích giảm dự phòng.

Cũng theo nhận định của TS Huân, lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ giảm so với năm 2022 nhưng không nhiều, bởi lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào thu nhập từ lãi và phi tín dụng, nhưng tín dụng của toàn ngành đến cuối tháng 10/2023 mới tăng hơn 7% (theo số liệu NHNN đưa ra), trong khi nguồn thu phí tín dụng khó tăng.

Tin bài liên quan