Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, phát huy vai trò là ngân hàng thương mại lớn, chủ lực của nền kinh tế, VietinBank luôn chủ động khai thác các nguồn vốn hợp lý, quản lý tốt chất lượng tăng trưởng, tiết giảm chi phí để tạo điều kiện và đi đầu thực hiện có kết quả các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Đồng thời, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng; tích cực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
“Theo đó, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của VietinBank chiếm 60% tổng danh mục tín dụng, thu dịch vụ của VietinBank năm 2018 tăng 36% so với 2017. Chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình kinh doanh dựa vào tăng trưởng quy mô là chính sang dựa vào cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển hiệu quả, trên cơ sở nền tảng ngân hàng hiện đại và đa dịch vụ”, ông Thọ nói.
Tuy nhiên, để VietinBank tiếp tục phát triển, phát huy tốt vai trò của Ngân hàng chủ lực trong hệ thống ngân hàng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ông Thọ cho biết, việc tăng vốn điều lệ cho VietinBank hiện nay là đặc biệt cấp bách, VietinBank đã xây dựng phương án tăng vốn và đã được NHNN báo cáo Chính phủ.
Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được VietinBank khai thác tối đa và đã tới hạn theo các quy định của pháp luật.
“Trong suốt 10 năm vừa qua, kể từ sau khi VietinBank cổ phần hóa năm 2008, VietinBank đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, quy mô về vốn tự có, quy mô về tài sản đã tăng trên 6 lần. Trong 10 năm vừa qua, VietinBank đã khai thác các nguồn lực về vốn từ cổ phần hóa và các cổ đông chiến lược nước ngoài để phục vụ cho sự phát triển, Nhà nước chưa phải đầu tư thêm khoản vốn nào cho VietinBank. Sự phát triển mạnh mẽ của VietinBank đã đóng góp vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, ông Thọ nói.
Cũng theo ông Thọ, VietinBank luôn chủ động phát huy tốt vai trò của ngân hàng thương mại Nhà nước lớn, chủ lực và trụ cột của đất nước, chủ động triển khai có kết quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong hoạt động ngân hàng. Do vậy, việc tăng vốn điều lệ cho VietinBank là để VietinBank có khả năng mở rộng huy động vốn, cấp tín dụng cho nền kinh tế, đáp ứng các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời bảo đảm tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật.
“Do tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã tới mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 tới nay, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế đang tăng lên rất lớn, đặc biệt là trong thời gian tới đây khi tăng trưởng kinh tế của đất nước tiếp tục cải thiện thì nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cũng tăng lên mạnh mẽ. Nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, việc tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước, từ đó ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng lớn tới nguồn thu Ngân sách Nhà nước do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng”, ông Thọ nói.
Chủ tịch HĐQT VietinBank thẳng thắn đề nghị Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ của VietinBank như nội dung đã trình.
“Trước mắt đề nghị được chấp thuận cho phép VietinBank được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020, và bố trí nguồn vốn để tăng vốn điều lệ cho VietinBank, đồng thời cho phép VietinBank thực hiện phương án phân phối lợi nhuận theo nguyên tắc: nếu tỷ lệ an toàn vốn không bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu của Chính phủ thì VietinBank được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu; việc chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ thực hiện khi bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật”, ông Thọ kiến nghị.