Diễn biến giằng co trong quý I
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định, diễn biến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong quý I/2023 diễn biến khá giằng co, ghi nhận nhịp tăng mạnh khoảng 1,8% ở giai đoạn sau Tết Nguyên đán Quý Mão, trước khi quay đầu giảm trở lại, đóng cửa ở mặt bằng tương đương hồi đầu năm nay là 23.450 đồng/USD. Tuy nhiên, các yếu tố tác động nhìn chung đều dịch chuyển theo chiều hướng thuận lợi và hỗ trợ tỷ giá.
Cụ thể, lãnh đạo BIDV cho biết, trên thị trường quốc tế, USD trở nên bớt hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Mặc dù những dữ liệu kinh tế khởi sắc trong 2 tháng đầu năm 2023 đã đưa chỉ số Dollar Index (DXY) tăng gần 2% lên vùng 105-106 điểm, bước ngoặt tới từ những bất ổn của một số ngân hàng như SVB, Signature Bank, khiến chỉ số này quay đầu giảm mạnh xuống quanh mức 101-102 điểm - thấp hơn khoảng 1% so với đầu năm.
“Bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất tổng cộng 50 điểm trong quý I/2023, đồng thời nhấn mạnh chưa có ý định cắt giảm lãi suất trong năm nay, thị trường dần hình thành kỳ vọng rằng, quá trình thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ sớm kết thúc và có thể chuyển sang nới lỏng bằng việc cắt giảm 100 điểm lãi suất trong khoảng 1 năm tới”, vị này nhận định.
Ông Bùi Hải Dương, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh vốn và tiền tệ, HSBC Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, xu hướng của chỉ số DXY (được sử dụng để đo lường giá trị đồng USD so với các đồng tiền ngoại tệ chính) được xem là yếu tố ảnh hưởng chính đến thị trường ngoại hối Việt Nam. Chỉ số này sau khi chạm đỉnh vào đầu tháng 3/2023 đã quay lại xu hướng giảm, sau khi thị trường thế giới kỳ vọng Fed sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
“Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt và những ảnh hưởng tiêu cực của chính sách thắt chặt tiền tệ lên hệ thống tài chính toàn cầu là 2 yếu tố dẫn tới kỳ vọng của thị trường về lãi suất USD. Tỷ giá USD/VND cũng đi theo xu hướng giảm giá của ‘đồng bạc xanh’ trên thị trường thế giới, giảm về vùng giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước là 23.450 đồng/USD, sau khi chạm đỉnh tháng 3/2023 tại mức 23.900 đồng/USD”, ông Dương nói.
Đối với môi trường trong nước, theo lãnh đạo BIDV, cân đối cung - cầu ngoại tệ trở nên thuận lợi với mức thặng dư ước tính khoảng 4-5 tỷ USD. Đây là bước dịch chuyển đáng chú ý trong bối cảnh cán cân thanh toán tổng thể đã thâm hụt rất lớn trong năm 2022 (gần 23 tỷ USD). Một số cấu phần cơ bản có xu hướng được cải thiện đáng kể so với năm trước như cán cân thương mại hàng hóa thặng dư khoảng 4 tỷ USD, xuất nhập khẩu dịch vụ thâm hụt nhẹ 210 triệu USD (so với mức thâm hụt 4 tỷ USD cùng kỳ năm trước).
“Ở chiều ngược lại, nhu cầu ngoại tệ cho các hoạt động mua kỳ hạn, găm giữ cũng giảm bớt trong bối cảnh đồng USD quốc tế có xu hướng hạ nhiệt. Nhìn chung, giai đoạn khó khăn nhất của tỷ giá có thể đã đi qua. Dự báo trong quý II/2023, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng có xu hướng đi ngang ổn định”, vị này cho hay.
Tiền đồng sẽ tích cực trong quý II
Ông Bùi Hải Dương cho biết, theo dự báo của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu, HSBC, chỉ số USD sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá trên thị trường toàn cầu với yếu tố dẫn dắt chính là kỳ vọng lãi suất USD sớm đạt đỉnh. Trong khi đó, yếu tố có thể làm tăng giá trị USD đến từ nhu cầu nắm giữ đồng tiền này như một loại tài sản an toàn trong bối cảnh lo ngại xảy ra khủng hoảng hệ thống ngân hàng ở Mỹ.
“Tuy nhiên, theo phân tích, rủi ro này không cao nhờ vào sự can thiệp kịp thời của Fed và Bộ Tài chính Mỹ để giữ ổn định cho thị trường tài chính nước này nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung. Mặt khác, VND đang nhận được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản ở thị trường trong nước”, ông Dương nhấn mạnh.
Theo ông Dương, cán cân thanh toán của Việt Nam đang cải thiện. Số liệu quý I/2023 từ Tổng cục Thống kê cho thấy, nguồn cung ngoại tệ ổn định từ thặng dư thương mại 4 tỷ USD, giải ngân FDI đạt 4,3 tỷ USD và sự quay trở lại của dòng vốn FDI vào thị trường vốn. Trong khi đó, thâm hụt cán cân dịch vụ thu hẹp chỉ còn 216 triệu USD trong quý I/2023 - một sự cải thiện lớn nếu so với cùng kỳ năm ngoái và quý liền trước khi thâm hụt lần lượt 4,1 tỷ USD và 3,9 tỷ USD. Sự cải thiện này phần lớn tới từ sự hồi phục của khách du lịch nước ngoài.
“Một yếu tố khác là biến cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường trong năm 2022. Tuy nhiên, nhiều giải pháp gỡ vướng của Chính phủ, thị trường này đang dần ổn định trở lại, qua đó góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư từ đầu năm 2023 tới nay. Từ các yếu tố đã nêu, VND dự báo sẽ diễn biến tích cực trong quý II/2023. Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ duy trì chính sách can thiệp thị trường bằng việc mua vào ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia”, ông Dương phân tích.
Đồng quan điểm, vị lãnh đạo BIDV phân tích, trên thị trường quốc tế, sức mạnh của USD nhiều khả năng tiếp tục bị hạn chế do Fed dần đi đến giai đoạn cuối của quá trình thắt chặt tiền tệ. Trong lịch sử, các giai đoạn chuyển dịch chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng của Fed thường không tốt cho USD và bối cảnh lần này cũng có thể không là ngoại lệ. Ngoài ra, vị này cho rằng, tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ có thể không lớn như năm 2008, bởi nhiều nguyên nhân.
“Thứ nhất, sức khỏe của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể nhờ các tiêu chuẩn, quy định mới đáp ứng đảm bảo tỷ lệ an toàn, tuân thủ. Thứ hai, Fed và các ngân hàng trung ương lớn đã có kinh nghiệm xử lý sau bài học năm 2008 và phản ứng rất nhanh trong thời gian qua. Tôi cho rằng, chỉ số DXY sẽ dao động chủ đạo quanh khoảng 99-102 điểm trong quý này”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Nhìn ở góc độ trong nước, vị này nhận định, cân đối cung - cầu ngoại tệ dự kiến không quá dư dả trong quý II/2023, ước tính ở mức cân bằng. Một mặt, một số dòng vốn cơ bản như cán cân thương mại hàng hóa, giải ngân FDI dự kiến ở trạng thái không mấy tích cực do chịu ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu khó khăn. Tuy nhiên, các nhu cầu ngoại tệ phát sinh dự kiến cũng không lớn do xu hướng thuận lợi hơn từ môi trường quốc tế như đã đề cập ở trên. Trong trường hợp một số giao dịch bán vốn tiềm năng quy mô lớn được thực hiện, cung - cầu ngoại tệ có thể quay trở lại mức thặng dư.
Xung quanh câu chuyện FDI, ông Dương cho rằng, sự suy giảm của hoạt động thương mại toàn cầu tác động lên cả 2 chiều thương mại của Việt Nam là xuất khẩu và nhập khẩu nên chưa ghi nhận tác động lệch pha lên cán cân thương mại. Giải ngân FDI chỉ giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nguồn cung ngoại tệ được bổ sung từ sự trở lại của khách du lịch nước ngoài và dòng vốn đầu tư gián tiếp của khối ngoại vào thị trường vốn trong nước.
“Do vậy, những yếu tố này sẽ không có nhiều tác động tiêu cực lên tỷ giá”, ông Dương nhấn mạnh.
Còn vị lãnh đạo BIDV cho hay: “Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều tiết thị trường ngoại hối theo hướng ổn định giá trị đồng nội tệ, chống đô-la hóa nền kinh tế. Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết chênh lệch lãi suất ở mức phù hợp từng bối cảnh để vừa đảm bảo mục tiêu nới lỏng, hỗ trợ nền kinh tế, vừa đảm bảo ổn định tỷ giá trong nước”.
Đánh giá sự tác động của quyết định hạ lãi suất trong tháng 3/2023 tới tỷ giá, ông Dương nêu quan điểm: “Nhờ các yếu tố tích cực đang hỗ trợ VND như phân tích ở trên đã cải thiện niềm tin thị trường, nên quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước không mang lại tác động tiêu cực lên tỷ giá. Động thái này nhằm mục đích hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn. Đặc biệt, lãi suất hạ sẽ giúp doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất thương mại giảm được chi phí tài chính, ổn định hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy yếu”.