Tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh kể từ sau dịp Tết Nguyên đán 2024. Cụ thể, USD/VND đã tăng 200 điểm phần trăm chỉ trong vòng 1 tuần và hiện đang giao dịch tại mức 24.600 – 24.610 đồng – mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 và chỉ cách mức cao nhất từng thiết lập vào năm 2022 thêm 1% (tỷ giá thời điểm đó là 1 USD đổi 24.876 đồng).
So với đầu năm, VND đã mất giá khoảng 1,52% so với USD.
Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), diễn biến của tỷ giá năm nay khá khác với các năm trước khi tăng mạnh ngay trong thời điểm đầu năm. Theo dữ liệu của PHS, tỷ giá thường khá ổn định trong giai đoạn đầu năm nhờ nguồn tiền kiều hối và FDI về khá mạnh. Tuy nhiên, bối cảnh của năm 2024 có nhiều khác biệt, đặc biệt là khi lãi suất chênh lệch giữa USD và VND đang ở mức âm trong suốt giai đoạn qua.
Theo PHS, tỷ giá tăng gần đây chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố. Thứ nhất, thị trường đánh giá Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không sớm hạ lãi suất như dự kiến hồi đầu năm nay. Qua đó mức lãi suất USD dự kiến ở mức cao cho tới giữa năm và mức cắt giảm cũng không còn quá mạnh như các dự báo lạc quan trước đây khi giá cả hàng hóa đang đảo chiều tăng gây nên áp lực đến lạm phát tại Mỹ. Điều này sẽ khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD âm sâu kéo dài.
Thứ hai, nhập khẩu liên tục hồi phục qua các tháng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất và nhập khẩu xăng dầu. Tổng giá trị nhập khẩu trong tháng 1 đạt gần 31 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 7/2022, riêng khu vực trong nước nhập khẩu hơn 11 tỷ USD (cao hơn 15% so với bình quân cả năm 2023).
Thứ ba, các doanh nghiệp thanh toán các khoản vay nước ngoài và hoạt động kết chuyển lợi nhuận về nước sở tại.
Thứ tư, tình trạng găm giữ ngoại tệ trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng tại thị trường trong nước lẫn thế giới. Tỷ giá USD/VND thị trường tự do liên tục tăng cao kể từ cuối năm ngoái, và hiện đang giao dịch quanh 25.300 đồng, duy trì mức chênh lệch lớn (khoảng 2,5%) so với tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Cùng với việc lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp đã tạo áp lực mất giá đối với đồng VND.
Tuy nhiên, VND vẫn là đồng tiền mạnh nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, với mức giảm 1,5% kể từ đầu năm tới nay. Trong so sánh với 10 quốc gia châu Á, đồng THB của Thái Lan mất giá mạnh nhất so với đầu năm khi THB giảm tới 5,0%, kế đến là Malaysia Ringgit (-3,8%), đồng Won Hàn Quốc (-3,1%). Riêng Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng giá so với USD (+0,4%).
Biến động của các đồng tiền khu vực châu Á so với USD |
Theo PHS, dự kiến tỷ giá USD/VND có thể tăng lên quanh vùng 24.750 (tương ứng với mức tăng 2% so với đầu năm – không đổi so với dự báo trước đây của PHS). Xác suất để tỷ giá có thể vượt đỉnh cũ (24.875) là khá thấp và Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đầy đủ các công cụ để kiểm soát tỷ giá trong bối cảnh hiện tại.