Quyết định giữ tỷ giá hiện tại đến đầu năm sau của NHNN là có thể thực hiện được

Quyết định giữ tỷ giá hiện tại đến đầu năm sau của NHNN là có thể thực hiện được

Tỷ giá VND và bản chất câu chuyện phá giá đồng Nhân dân tệ

(ĐTCK) Liên quan đến câu chuyện phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thời gian qua và tác động đến nền kinh tế Việt Nam, hai chuyên gia kinh tế đầu ngành trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã chia sẻ những nhìn nhận, phân tích sâu sắc của mình tới ĐTCK. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Việc Trung Quốc thay đổi tỷ giá gây ra cú sốc trên toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Vấn đề là nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt qua được khó khăn hay không? Theo tôi, chỉ có những quốc gia như Trung Quốc mới vượt qua được. Cụ thể, thứ nhất, sự phát triển công nghệ của Trung Quốc chỉ thua Mỹ.

Thứ hai là tiềm lực tài chính, Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lên tới 3.600 tỷ USD. Điều này chưa ấn tượng bằng thặng dư thương mại hàng năm vào khoảng 200 tỷ USD.

Thứ ba, Trung Quốc đang hình thành chế độ tỷ giá thả nổi, trong khi các đối tác thương mại của Trung Quốc cũng thả nổi nên rủi ro là thấp.

Cuối cùng, Trung Quốc là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, khi có vấn đề phát sinh, các tổ chức này sẽ hợp tác hành động để tránh nguy cơ gây ảnh hưởng tới toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tất nhiên sẽ giảm theo quy luật, và trong giai đoạn giao thời này sẽ có những trục trặc nhất định, nhưng nhờ có những “trụ cột” trên, việc Trung Quốc tạo nên một cuộc khủng hoảng giống như Mỹ năm 2008 là không xảy ra.

Động thái của NHNN trong việc điều hành thị trường ngoại hối thời gian qua, cụ thể là trong 1 tuần có tới 2 lần thay đổi tỷ giá và điều chỉnh kép (cả biên độ và tỷ giá) là chưa từng có trong lịch sử.

Tuy cú sốc tâm lý tương đối lớn, nhưng ngay cả việc Fed điều chỉnh lãi suất hay Trung Quốc có thể tăng/giảm tỷ giá chút ít cũng không ảnh hưởng đến quyết định của NHNN Việt  Nam. Bởi vậy, quyết định giữ tỷ giá hiện tại đến đầu năm sau của NHNN, tôi tin sẽ làm được.

Liên quan đến việc tỷ giá thay đổi tác động thế nào đến lãi suất, theo tôi, nếu hiểu theo nghĩa thông thường của nền kinh tế thị trường không có dự trữ ngoại hối tập trung, phá giá đồng USD sẽ làm lãi suất VND giảm xuống. Điều này hơi khác đối với Việt Nam, bởi nước ta có quỹ dự trữ ngoại hối tập trung, khi NHNN muốn tăng tỷ giá hối đoái có thể không mua ngoại tệ mà đẩy VND ra.

Trong trường hợp tỷ giá tăng kịch trần, NHNN buộc phải bán ngoại tệ ra, đồng nghĩa với việc hút VND về. NHNN muốn giảm lãi suất đương nhiên phải tăng cung tiền. Việc thay đổi trạng thái ngoại hối hay không nằm trong lộ trình chống đô la hóa của Chính phủ, ít liên quan đến việc găm giữ ngoại tệ của các NHTM. Chính phủ dự kiến tiếp tục giảm cho đến khi không cho vay ngoại tệ và tiến tới không nhận tiền gửi ngoại tệ nữa. Khi tỷ giá hối đoái có chiều hướng đi lên, việc kiềm giữ lãi suất cũng dễ dàng hơn.

Việt Nam lạm phát vào khoảng 1,5%, Mỹ và Trung Quốc lạm phát khoảng 1,75%. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại Việt Nam là 7%/năm, Trung Quốc là 3%/năm và Mỹ là khoảng 2,5%/năm. Tại sao lạm phát thấp mà lãi suất tại Việt Nam lại cao đến thế?

Ở đây có một yếu tố ít được quan tâm đó là trái phiếu chính phủ. Trái phiếu chính phủ bao giờ cũng là nguồn lực chuẩn của thị trường tài chính và tạo ra đường cong chuẩn lãi suất.

Phát hành trái phiếu chính phủ nhiều với rủi ro bằng 0, đương nhiên các ngân hàng sẽ mua vào. Trái phiếu chính phủ nhắm tới đối tượng là các ngân hàng, trong khi các DN cũng nhằm vào ngân hàng, nên chúng ta có nền tảng tiền gửi cao.

NHNN làm được như hiện nay, theo tôi là rất xuất sắc. Lãi suất khó giảm thêm vì ngoài nhu cầu tín dụng của DN, còn nhu cầu rất lớn của quốc doanh, chưa kể vô vàn những khoản đáng ra là ngân sách Nhà nước phải chi thì đều tập trung vào NHNN. Ví dụ, vay đền bù giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1 hay gói tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng… Đặc biệt, NHNN cũng phải tập trung xử lý nợ xấu, vậy làm sao có thể kéo lãi suất xuống được?

Dù NHNN dùng mọi biện pháp để giảm lãi suất xuống cũng không thể giảm được. Tôi hy vọng, NHNN sẽ duy trì được lãi suất như hiện nay. Trong tương lai khó giữ được lãi suất như vậy bởi sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế. 

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Nền kinh tế Trung Quốc có những rủi ro sau: Thứ nhất là tín dụng, sau khủng hoảng năm 2008 - 2009, Trung Quốc đã bơm một gói kích thích lớn trị giá 586 tỷ USD vào thị trường. Tiền rẻ của Chính phủ đã đổ vào thị trường chứng khoán và ngân sách các chính quyền địa phương.

Chính phủ trung ương Trung Quốc hiện nay không thể kiểm soát được ngân sách của nhiều chính quyền địa phương, trong khi một vài địa phương đã phá sản. Quan trọng hơn, hệ thống ngân hàng thương mại của Trung Quốc đã đầu tư vào bất động sản, cho vay chính quyền, mua vào trái phiếu do các địa phương phát hành, nên tiềm ẩn rủi ro nợ xấu rất lớn. Nợ xấu nếu vỡ ra sẽ gây hậu quả kinh khủng.

Thứ hai, TTCK sụt giảm mạnh do một thời, tiền rẻ đổ vào khiến thị trường nóng lên, tương tự Việt Nam năm 2007, thêm vào đó, bất động sản cũng bị thổi bong bóng khá nhiều. Chưa kể tới, các nhà đầu tư tại Trung Quốc vẫn chịu ảnh hưởng lớn của tâm lý bầy đàn. Do đó, 1/3 giá trị nền kinh tế Trung Quốc đã bị “thổi bay” trên TTCK thời gian qua.

Thứ ba, đó là câu chuyện tỷ giá. Việc Trung Quốc thay đổi tỷ giá tác động đến chính niềm tin và nền kinh tế của quốc gia này. Đầu tư nước ngoài giảm vì nhà đầu tư rút vốn ra khỏi Trung Quốc để đầu tư vào nơi nào có lợi nhuận cao hơn và để tránh rủi ro. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc sau điều chỉnh tỷ giá có những “chao đảo” nhất định do người dân, các doanh nghiệp… ồ ạt rút tiền, buộc Ngân hàng trung ương phải có động thái bơm tiền. Hiện tại, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody's, Standard & Poor's và Fitch Group đang cân nhắc lại hệ số tín nhiệm của Trung Quốc…

Thời gian tới, câu hỏi là Trung Quốc có điều chỉnh tỷ giá tiếp hay không? Đồng nhân dân tệ gần như được neo cố định trong suốt 10 năm qua. 5 năm qua, về giá trị danh nghĩa, nhân dân tệ đã tăng giá 5,7% so với USD. Trong khi đó, đồng yên Nhật mất giá 42%, đồng bath Thái Lan mất giá 14,5%, đồng ringgit của Malaysia mất giá 36%. VND mất giá khoảng 42% trong 10 năm qua, còn 5 năm qua mất giá khoảng 15%. Các quốc gia khác trong khu vực đều điều chỉnh trung bình 17-18%.

Vậy, việc Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá là điều hoàn toàn có thể xảy ra, vì đồng nhân dân tệ đang được định giá cao so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thay đổi chế độ điều hành tỷ giá là linh hoạt hàng ngày, sẽ không thay đổi đột ngột như thời gian vừa qua để giảm dần cú sốc và những tác động không mong muốn.

Việt Nam là quốc gia có mối liên kết kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc nên chắc chắn sẽ chịu tác động khá mạnh về nhiều mặt. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc có khoảng 1.000 dự án đầu tư ở Việt Nam, với giá trị khoảng 7 tỷ USD, lượng du khách từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay có tăng so với cùng kỳ nhưng đang có xu hướng giảm…

Điều này đồng nghĩa với việc, kinh tế Việt Nam lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, nên khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá hay các chính sách khác chắc chắn sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam…

Tin bài liên quan