Theo bà, tỷ giá VND/USD sẽ còn chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài ra sao?
Chúng ta không nên chủ quan với diễn biến tăng trưởng có vẻ như đang ổn định hiện nay của các nền kinh tế lớn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện chưa có động thái mới sau đợt tăng lãi suất cuối năm 2015, nhưng cũng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, bởi Fed sẽ dựa vào điều này để sớm có các quyết định.
Năm 2015, tiền đồng đã giảm giá trên ngưỡng cam kết của NHNN. Sau đó, dù tỷ giá đã được ổn định nhờ các biện pháp cải cách từ NHNN, nhưng áp lực giảm giá VND chưa thể sớm qua đi bởi vẫn đang chịu tác động mạnh từ các yếu tố chủ quan cũng như khách quan, thậm chí khả năng sẽ còn tiếp tục mất giá trong thời gian tới.
Bà Izumi Devalier
Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại, liệu điều này có duy trì được lâu?
Việt Nam đã có thặng dư thương mại trong tháng 1 và 2/2016, nhưng chúng tôi không kỳ vọng điều này sẽ được duy trì lâu vì áp lực nhập khẩu vẫn lớn. Chỉ với 2 tháng đầu năm là chưa đủ để đánh giá cho tình hình cả năm. Trong trung hạn, Việt Nam vẫn đối mặt với thâm hụt kép: cán cân thương mại mất cân đối dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai mỏng đi và tạo thêm áp lực lên cán cân thanh toán. Dự trữ ngoại hối có xu hướng giảm. VND vẫn đang chịu áp lực giảm giá.
Đối với hoạt động thương mại, dù được lợi trong chuỗi sản xuất toàn cầu với các hiệp định thương mại (TPP) mà Việt Nam vừa ký kết và có hiệu lực, doanh nghiệp cần tăng năng lực sản xuất, thiết kế, đổi mới, sáng tạo so với các sản phẩm khác trên thị trường mới có thể cạnh tranh được, bởi hàng ngoại nhập cũng có thể tràn vào Việt Nam tương ứng.
Vậy áp lực lãi suất tiền đồng thời gian tới sẽ tăng mạnh so với mặt bằng hiện nay?
Lạm phát của Việt Nam tính đến cuối năm 2015 là 5%. Năm 2015, NHNN duy trì mức lãi suất thấp, nhưng áp lực lạm phát năm 2016 sẽ tăng lên, do đó cũng có những áp lực nhất định đến lãi suất.
Đối với lãi suất của Việt Nam, mặc dù Chính phủ và NHNN kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm nữa, song như chúng ta đã biết, tình hình lãi suất bắt đầu có chiều hướng tăng lên, dù mức tăng chưa đột biến.
Nợ xấu ngân hàng Việt Nam được kiểm soát về mức dưới 3% liệu có thấp, thưa bà?
Tỷ lệ 3% có thể nói là mức hơi thấp so với thực tế do cách đánh giá hiện thời. Số lượng nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Nếu Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa cao, tỷ lệ nợ xấu cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, hiện nợ xấu của Việt Nam đã được kiểm soát và khả năng nợ xấu tái tăng trở lại sẽ rất khó.
Quan trọng là Việt Nam phải làm sao để xử lý được nợ xấu, thay vì chỉ gom lại rồi để đó. Việt Nam trải qua giai đoạn tăng trưởng tín dụng “nóng” trong giai đoạn năm 2008-2009, sau đó kéo nợ xấu tăng, nhưng chính sách tiền tệ đã từng bước siết lại.
Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh bán nợ, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống thấp, nhưng đòi hỏi ngành ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tuy còn khó khăn nhất định.
Khả năng tín dụng cải thiện tốt và Việt Nam kết thúc quá trình giảm vay nợ?
Tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm về dưới 3% thì áp lực giảm vay nợ suy yếu dần, trong khi tăng trưởng tín dụng đang chiều hướng đi lên. Độ tập trung tín dụng đang tăng, nhưng vẫn chưa ở mức báo động. Đóng góp trong tăng trưởng tín dụng GDP tăng lên, song chủ yếu do suy yếu GDP danh nghĩa. Tăng trưởng huy động tiếp tục vượt tăng trưởng cho vay, nhưng chênh lệch lại thu hẹp dần.
Trong khi đó, lạm phát đang dịu lại, nhưng tình trạng ổn định sẽ không kéo dài. Lạm phát của Việt Nam ở mức thấp trong một thập kỷ qua, nhưng được dự báo sẽ gia tăng trong năm 2016. Vì vậy, theo quy tắc nhu cầu thắt chặt trong quý III/2016 nếu NHNN muốn chủ động điều tiết.
Dù vậy, Việt Nam cũng sớm cần những biện pháp thắt chặt để giữ thâm hụt thương mại ở mức có thể kiểm soát, bởi tăng trưởng tín dụng và nhu cầu nội địa mạnh thường đi kèm với sự suy thoái của cán cân thương mại.
Một phần, do nhập khẩu tăng cao của doanh nghiệp trong nước, mà hầu hết là những doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đang dần được tăng lên để đáp ứng cầu vốn kinh tế. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ cao đối với tăng trưởng tín dụng, trong khi hiệu quả hoạt động của khối này lại không như kỳ vọng.
Đánh giá của bà về triển vọng tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2016?
Kinh tế Việt Nam hiện nay đã phát triển hơn rất nhiều so với năm 2007. Sự cải thiện, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và hoạt động ngành ngân hàng nói riêng đã từng bước được ghi nhận. Ngành ngân hàng đã từng bước đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nhất là trong năm 2015.
Năm 2015, có thể xuất khẩu đối với toàn cầu giảm, nhưng xuất khẩu của các quốc gia mới nổi vẫn tăng trưởng, trong đó có Việt Nam. Cũng trong năm này, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp. Qua các năm, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Các nhân tố khác hỗ trợ sự tăng trưởng chính là nhu cầu về nội địa gia tăng, chẳng hạn, doanh thu bán ô tô của Việt Nam tăng đáng kể trong năm vừa qua. Việt Nam có tỷ lệ xuất khẩu cao, nhưng cũng nhờ vào tỷ lệ tiêu dùng nội địa tăng cao, nên đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng.
Trong ngắn hạn, chúng tôi lạc quan về sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Nhưng dài hạn, Việt Nam cũng cần chuẩn bị tốt để đối phó với các thách thức đến từ bên ngoài.
Tôi kỳ vọng vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay, nhưng cũng còn nhiều lo ngại đến cải cách ở tương lai. Hiện nay tăng trưởng của Việt Nam là nước cao thứ hai trong khu vực châu Á. Nhưng những cải cách của khu vực doanh nghiệp là rất quan trọng. Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng cũng cần biết tận dụng hết các lợi thế.
Trong đó, phải kể đến là nguồn nhân lực. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động ngày càng tăng, nhưng nguồn lao động Việt Nam vẫn làm công việc có đầu ra thấp. Đồng thời, Việt Nam cần thúc đẩy sự tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân.
Tăng trưởng của Việt Nam những năm qua dường như nhờ vào FDI hơn là tiêu thụ trong nước. Vậy với cải cách sắp tới và trong khuôn khổ TPP sẽ ra sao?
Việt Nam hiện là quốc gia có mức tăng trưởng cao, nhưng nếu không cải cách sẽ khó có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Tôi kỳ vọng vào sự tăng trưởng, nhưng cũng còn nhiều lo ngại đến cải cách. Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh cổ phần hóa, tư nhân hóa vì Chính phủ cũng đang chịu áp lực về thâm hụt ngân sách,… nhưng dường như tiến độ vẫn còn khá chậm và không đạt kỳ vọng.
Tóm lại, áp lực cải cách của Việt Nam là rất lớn, nên không thể không cải cách. Còn đối với việc tham gia TPP, Việt Nam được cho là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. GDP của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 30% nhờ TPP. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu.