Tỷ giá và lòng tin vào đồng tiền quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Lòng tin vào đồng tiền quốc gia không chỉ là yêu cầu chính trị, mà còn là yêu cầu quan trọng của kinh tế trong cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập.
Tỷ giá và lòng tin vào đồng tiền quốc gia

Được hiểu như thế nào?

Về chính trị, lòng tin vào đồng tiền quốc gia là một trong những biểu hiện cụ thể của thể diện quốc gia - đó là sự tín nhiệm về nhiều mặt, từ thể chế chính trị, quản trị điều hành của Nhà nước từ Chính phủ, Trung ương, chính quyền địa phương…

Về kinh tế, lòng tin vào đồng tiền quốc gia giống như một thương hiệu quốc gia tổng hợp, không chỉ có sự hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài (từ đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, hỗ trợ phát triển chính thức - ODA, đầu tư gián tiếp - góp vốn, mua cổ phần, cho vay…; buôn bán (xuất nhập khẩu hàng hóa, du lịch); mà còn là niềm tin của các nhà đầu tư vào các kênh (sản xuất, kinh doanh, chứng khoán…), của người tiêu dùng…

Về nguyên lý cơ bản, lòng tin vào đồng tiền quốc gia tập trung chủ yếu vào tỷ giá VND/USD, chỉ đạt được khi giá trị đồng tiền quốc gia cơ bản được ổn định. “Cơ bản ổn định” được hiểu là tỷ giá VND/USD ở các trạng thái không tăng/giảm với biên độ cao.

Tỷ giá tăng thì xuất khẩu sẽ có lợi, bởi số USD thu về từ xuất khẩu khi tính theo VND sẽ cao hơn. Theo đó, tỷ giá VND/USD tăng sẽ góp phần làm tăng xuất khẩu, tạo điều kiện cho xuất siêu, mà xuất siêu sẽ góp phần tăng GDP. “Góp phần” bởi để xuất khẩu tăng còn phải do số lượng, chất lượng hàng xuất khẩu, đơn giá xuất khẩu, thị trường xuất khẩu…, nhưng không thể chỉ tăng tỷ giá để tăng xuất khẩu, bởi tăng tỷ giá cũng gây bất lợi về một số mặt. Nhập khẩu sẽ bất lợi bởi để có số USD nhập khẩu phải mất nhiều VND hơn.

Tỷ giá tăng thì tỷ lệ nợ vay nước ngoài/GDP tăng. Trả nợ vay bằng ngoại tệ khi tính bằng VND sẽ lớn hơn trước. Chi phí nguyên, nhiên, vật liệu, vay nợ bằng ngoại tệ sẽ tăng làm tăng giá thành sản phẩm. Giá hàng nhập khẩu tính bằng VND tăng sẽ làm cho hàng nhập khẩu tăng, gây sức ép cho lạm phát ở trong nước. Tỷ giá tăng cũng tạo ra tâm lý lạm phát, găm giữ ngoại tệ… Nhìn tổng quát, tỷ giá VND/USD tăng sẽ tác động tiêu cực đến lòng tin đối với đồng tiền quốc gia.

Tỷ giá giảm thì xuất khẩu sẽ bất lợi, bởi số USD thu được từ xuất khẩu khi tính theo VND sẽ thấp hơn. Theo đó, tỷ giá VND/USD giảm sẽ góp phần làm tăng nhập khẩu, tạo điều kiện gây ra nhập siêu, mà nhập siêu tác động tiêu cực đến GDP.

Kết quả và những giải pháp duy trì

Năm 2022, tốc độ tăng giá USD khá cao trước sức ép lên giá của USD và sự giảm giá của đồng nội tệ của nhiều nước trên thế giới. Nhưng tốc độ tăng vẫn còn thấp hơn các năm 2009, 2010, 2011, 2015, 2016, thấp hơn tốc độ tăng bình quân năm (2,67%) của thời kỳ 2009-2021 và tăng sau 3 năm (2019-2021) tăng thấp và giảm.

Từ diễn biến tăng/giảm giá USD ở Việt Nam từ năm 2009 đến nay, có thể rút ra một số điểm đáng quan tâm về giải pháp điều hành để ổn định tỷ giá, nhằm nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Thứ nhất, phải kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu, bởi lạm phát là yếu tố quan trọng tác động đến tỷ giá, gây ra các tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.

Thứ hai, phải có lượng ngoại hối dự trữ quốc tế đủ lớn (cao hơn 3 tháng nhập khẩu, bảo đảm trả nợ ngắn hạn…) để bảo đảm an toàn tài chính, để sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ (bơm/hút tiền đồng, mua/bán ngoại tệ…).

Thứ ba, khuyến khích thu hút ngoại tệ từ nước ngoài (thông qua FDI, ODA, đầu tư gián tiếp, kiều hối, từ khách quốc tế đến Việt Nam…), kiểm soát lượng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài (thông qua nhập khẩu, nhập lậu, đầu tư, rửa tiền…).

Thứ tư, phương thức điều hành tỷ giá tránh “giật cục” (6 tháng một lần như trước kia), mà theo kiểu “trườn bò” thông qua tỷ giá trung tâm, vừa ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, vừa bảo đảm tính linh hoạt nhằm thích ứng với sự biến động nhanh/chậm, cao/thấp của thị trường ngoại hối, biến động giá hàng hóa trên thị trường xuất nhập khẩu…

Thứ năm, tránh sự điều chỉnh tỷ giá, cộng hưởng với sự nới lỏng biên độ giao dịch tỷ giá trong thực tế.

Thứ sáu, duy trì quy định lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0% để khuyến khích bán ngoại tệ trực tiếp cho ngân hàng.

Thứ bảy, quản lý tốt hơn việc cấp phép cho các cửa hàng mua/bán ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các sai phạm, kể cả nhập xuất vàng.

Thứ tám, giảm dần chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái với tỷ giá sức mua tương đương (hiện còn ở mức lớn khoảng 2,44 lần), khi chênh lệch này sẽ giảm khi mở cửa, hội nhập tăng lên, lợi thế giá nhân công rẻ giảm dần. Cần được coi chênh lệch này là cái “phanh” mỗi khi muốn tăng tỷ giá.

Tin bài liên quan