Tỷ giá trung tâm hôm nay (16/4) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.141 VND/USD, tăng 45 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.934 - 25.348 VND/USD.
Tỷ giá bán được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng tăng thêm 48 đồng, mua - bán ở mức 23.400 - 25.298 VND/USD.
Trong sáng ngày 16/4, các ngân hàng lớn tiếp tục đưa giá USD lên kịch trần cho phép, cũng như vượt xa mức giá bán tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, đây là phiên thứ hai liên tiếp tỷ giá USD tại một loạt ngân hàng được niêm yết ở mức kịch trần.
Đáng chú ý, những ngân hàng có giá bán cao nhất đều thuộc nhóm Big4, cho thấy áp lực trên thị trường ngoại tệ vẫn còn lớn.
Diễn biến tỷ giá VND/USD |
Trong bối cảnh này, CTCK KBSV cho rằng, tỷ giá liên ngân hàng trong quý I/2024 tăng mạnh chủ yếu đến từ đà tăng của chỉ số DXY, nhu cầu nhập khẩu tăng và các hoạt động găm giữ USD cũng như carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất).
“Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mặc dù nhận thấy những áp lực ngay từ đầu năm, đã chủ động phát hành tín phiếu từ đầu tháng 3 nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn. Chúng tôi cho rằng, lý do khiến cho đợt phát hành tín phiếu này trở nên kém hiệu quả do động thái này chỉ tác động tới hoạt động carry trade của các ngân hàng, trong khi nhu cầu thanh toán USD để nhập khẩu và các hoạt động xuất khẩu nhưng trì hoãn, găm giữ USD vẫn tiếp diễn”, KBSV cho biết.
Theo đó, trong kịch bản cơ sở, KBSV cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ còn tiếp tục chịu áp lực lớn trong phần còn lại của năm 2024, được dự báo tăng 3% đạt mức 25.000 VND/USD do áp lực từ DXY và chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND tiếp tục duy trì, nhất là khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lùi thời gian điều chỉnh lãi suất xuống tháng 9/2024 ngày càng lớn.
“Với các áp lực ngoại biên từ đà tăng của DXY, lợi suất trái phiếu Mỹ và giá vàng, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ vẫn tập trung vào việc phát hành tín phiếu kho bạc. Tuy nhiên, nếu các áp lực này tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong kịch bản giá dầu Brent vượt mức 93 USD/thùng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm vượt 4,7%/năm, NHNN có thể sẽ phải can thiệp bằng việc bán kỳ hạn hoặc bán thẳng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá”, KBSV cho biết.
Cùng quan điểm, theo Shinhan Securities, dữ liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ được công bố vào ngày 10/4 với mức tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn kỳ vọng của giới phân tích ở mức 3,4%) và duy trì đà tăng trong ba tháng đầu năm thay vì giảm về mục tiêu 2%, khiến giới đầu tư quan ngại về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 6, nhưng sau đó được xoa dịu bởi số liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) thấp hơn dự kiến.
Một ngày sau đó, ECB cũng quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục 4% và phát tín hiệu đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể sẽ diễn ra vào tháng 6 trong khi kỳ vọng của thị trường về thời điểm Fed giảm lãi suất được đẩy lùi sang tháng 9.
Đây là lý do chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng vọt 1% lên trên ngưỡng 105,2 trong ngày 10/4 và hiện duy trì quanh ngưỡng này. NHNN theo đó cũng liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm. Tuy tỷ giá tăng nóng nhưng hiện VND mới chỉ mất giá khoảng 3% kể từ đầu năm tới nay so mức tăng 3,74% của DXY, nên có thể NHNN chưa cần phải bán nguồn ngoại tệ dự trữ (ước tính trên 100 tỷ USD), nhưng cơ quan này đã phát thông điệp sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá.
Trước đó, NHNN đã có động thái hút ròng hơn 171 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở trong tháng 3/2024 trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa và bắt đầu bơm trả lại hệ thống từ ngày 8/4/2024.
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tỷ giá đang hết sức nóng và NHNN sẽ có động thái can thiệp thị trường nếu nếu cần thiết.