Tỷ giá theo xu hướng giảm dần

0:00 / 0:00
0:00
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất cơ bản USD, thậm chí còn giảm trong năm 2024 là yếu tố tác động tích cực lên tỷ giá.
Tỷ giá được dự báo chỉ tăng 1,5-2,5% trong năm 2024. Ảnh: Đức Thanh

Tỷ giá được dự báo chỉ tăng 1,5-2,5% trong năm 2024. Ảnh: Đức Thanh

Còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Chứng khoán của Dragon Capital cho hay, về chính sách tiền tệ, dù lãi suất cho vay và huy động đều đã về mức thấp hơn giai đoạn Covid-19, nhưng mức thấp kỷ lục này vẫn có thể bị phá vỡ. “Tháng 10/2023, Dragon Capital từng dự báo lãi suất tiếp tục giảm và chúng tôi vẫn tin sẽ có một đợt hạ lãi suất trong vòng 4-5 tháng tới”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, lãi suất và lạm phát luôn có mối tương quan nhất định. Với tốc độ phục hồi kinh tế tương đối yếu như hiện tại, lạm phát không phải vấn đề đáng ngại, quan trọng là tăng trưởng. Do đó, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng vẫn còn.

Thêm vào đó, nhiều tổ chức kỳ vọng, Fed có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến với tần suất 6-7 lần trong năm 2024. Chỉ cần Fed có sự quay đầu về chính sách, Việt Nam sẽ có đợt hạ lãi suất tiếp theo.

Theo ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách Mảng Giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam, khi các nước phát triển lớn, trong đó có Mỹ, kết thúc các đợt tăng lãi suất, Việt Nam sẽ giữ quan điểm thận trọng về việc tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành. “Chúng tôi dự đoán, nửa cuối năm nay sẽ là thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bắt đầu cắt giảm lãi suất sau khi Fed bắt đầu hạ lãi suất”, ông Pyon cho biết.

Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cho hay, NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024 và nếu giảm được thì phải giảm. Hiện lãi suất đã giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại nói rằng, lãi suất không thể thấp hơn được nữa.

Trong năm 2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Các tổ chức tín dụng cũng được chỉ đạo tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022. Nhưng theo tinh thần chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn.

Tỷ giá sẽ theo xu hướng giảm trong năm nay

Ông Pyon Young Hwan cho rằng, tỷ giá trong nửa đầu năm 2024 sẽ duy trì ở mức tương đối cao do các điều kiện tiêu cực bên ngoài, như sự sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng, đồng nhân dân tệ suy yếu do lo ngại về kinh tế Trung Quốc. Nhưng tỷ giá dự kiến giảm dần khi các ngân hàng trung ương ở các quốc gia lớn kết thúc chính sách thắt chặt tiền tệ và bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Quá trình giảm của tỷ giá ở Việt Nam có thể diễn ra chậm hơn so với các nước mới nổi khác khi thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của Fed còn chưa rõ ràng, cùng với những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc. Bình quân theo quý, tỷ giá dự kiến giảm dần từ mức 24.210 đồng/USD quý I xuống 23.910 đồng/USD quý IV/2024, bình quân cả năm ở mức 24.050 đồng/USD.

Theo nhận định của Standard Chartered, VND tiếp tục đối mặt với những thách thức, tỷ giá dự kiến đạt 24.000 đồng/USD vào cuối năm 2024. Dự trữ ngoại hối sẽ phục hồi khi sức mạnh của USD giảm.

Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, tỷ giá sẽ biến động trong phạm vi +/-3%-4% và điều này không có gì đáng ngại. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế - tài chính, năm 2024, kinh tế sẽ phục hồi chậm, áp lực lạm phát cũng không đáng ngại, vì vậy chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành theo hướng nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

Đáng chú ý, việc Fed sẽ dừng tăng lãi suất cơ bản USD, thậm chí còn giảm trong năm 2024 là yếu tố tác động tích cực lên tỷ giá. Trong điều kiện thuận lợi, nếu Chỉ số DXY (thước đo giá trị của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) không tăng mạnh và NHNN duy trì chính sách điều hành linh hoạt, thì VND có thể giữ mức giảm giá hợp lý dưới 3% so với USD trong năm 2024.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khi môi trường đầu tư duy trì ổn định và những thách thức liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu được xử lý. Kiều hối cũng được dự báo tăng trưởng tốt và thặng dư thương mại tiếp tục hỗ trợ cho tỷ giá.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, lượng kiều hối về Thành phố năm 2023 đạt gần 9 tỷ USD. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nguồn kiều hối về Việt Nam đạt 14 tỷ USD trong năm 2023. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam năm qua thặng dư, tác động tới tỷ giá.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, với khả năng Fed chấm dứt lộ trình tăng lãi suất, đồng nghĩa USD không tăng giá nữa, dự báo tỷ giá năm 2024 chỉ tăng 1,5-2,5%.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho hay, năm 2023, NHNN đã giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền. Năm 2024, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trước biến động mạnh của thị trường tài chính - tiền tệ thế giới, nhiều đồng tiền trên thế giới có mức giảm giá rất mạnh so với USD, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là tỷ giá một cách chủ động và linh hoạt. Nhờ đó, tỷ giá dù có lúc biến động tương đối mạnh theo thị trường thế giới, song vẫn giữ được trong biên độ không quá lớn. Việc VND giảm giá khoảng 3% so với USD là mức đã được dự báo từ trước và trong phạm vi kiểm soát.

Tin bài liên quan