Nhiều khả năng NHNN vẫn chưa “xài” hết room tín dụng của cả năm là 14%. Ảnh: Đức Thanh
Dè dặt bơm room
Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại. Theo đó, có khoảng 14-15 tổ chức tín dụng được điều chỉnh tăng room tín dụng với mức tăng từ xấp xỉ 1% tới 4%. Xét về con số tuyệt đối, hạn mức tăng tín dụng lớn nhất thuộc nhóm Big 4, với tổng hạn mức tín dụng được tăng thêm xấp xỉ khoảng 100.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Vietcombank được thêm 2,7% room tín dụng, tương đương có thêm hạn mức khoảng 32.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế. Agribank được tăng tín dụng thêm 3,5%, tương ứng dư địa tăng tín dụng thêm khoảng 50.000 tỷ đồng. VietinBank và BIDV tổng cộng có thêm gần 20.000 tỷ đồng hạn mức tín dụng mới.
Ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, room tín dụng được cấp phổ biến quanh mức 3%. Tuy nhiên, do quy mô tín dụng nhỏ, kể cả các ngân hàng tư nhân lớn, thì hạn mức tín dụng tăng thêm chỉ trên 10.000 tỷ đồng, còn ở ngân hàng TMCP nhỏ, hạn mức tín dụng tăng thêm chỉ 1.000 - 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, nhiều khả năng, trong đợt cấp room tín dụng lần này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa “xài” hết room tăng trưởng của cả năm là 14%. Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh room tín dụng dè dặt, theo nhiều chuyên gia là “như muối bỏ bể” so với cơn khát vốn của doanh nghiệp hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, không chỉ nên cấp hạn mức tín dụng còn lại của năm, NHNN nên mạnh dạn nới room tín dụng lên trên 14%.
“Muốn kích cầu, phục hồi nền kinh tế, thì phải nới thêm room tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Tất nhiên, việc của Ngân hàng Nhà nước là làm sao để dòng vốn này không bị lệch pha, phải rót vào lĩnh vực sản xuất, thay vì bất động sản”, ông Huân nói.
Theo chuyên gia này, nửa đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt nặng mục tiêu kiểm soát lạm phát hơn thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, song 6 tháng cuối năm, chính sách tiền tệ cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, có thể chấp nhận lạm phát tăng lên 5-6% để không bỏ lỡ thời cơ phục hồi kinh tế. Lý do là tăng trưởng luôn có độ trễ 1-2 quý, vì vậy tín dụng phải nới từ bây giờ thì nền kinh tế cuối năm nay và đầu năm sau mới có thể cất cánh.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia tỏ ra thông cảm với sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên giữ chính sách hiện nay (giữ nguyên room tín dụng) đến hết quý III/2022. Các động thái điều chỉnh nên bắt đầu từ quý IV/2022 khi các động thái của Fed và của thị trường rõ ràng hơn.
Mức tăng room tín dụng lớn nhất cho năm 2022, theo điều chỉnh mới đây của Ngân hàng Nhà nước, thuộc về nhóm Big 4 ngân hàng, với tổng hạn mức tín dụng được tăng thêm khoảng 100.000 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh; Đồ họa: Đan Nguyễn |
Thanh khoản tăng, tỷ giá nóng cản đường nới room
Hết tháng 8/2022, mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,91% - cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Mặc dù lạm phát những tháng gần đây duy trì ở mức 2,58%, song Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, các yếu tố về tiền tệ cũng như một số nguyên nhân khác vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ. Việc điều hành lãi suất của NHNN lúc này được tính toán một cách chặt chẽ, thận trọng.
Bên cạnh lạm phát, nhiều ý kiến cho rằng, thanh khoản và tỷ giá có dấu hiệu “căng” trở lại là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước không mạnh tay nới room tín dụng.
Trên thế giới, đồng bạc xanh đang tăng mạnh và đứng ở mức giá cao nhất trong vòng 20 năm qua. Nhiều khả năng, Fed tiếp tục tăng lãi suất cuối tháng 9 này. Giữa tuần qua (ngày 7/9), Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng giá bán USD, cho thấy độ nóng của tỷ giá tăng dần.
Thêm vào đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ 2/9. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đầu tuần này đã lên đến 5,44%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng ra thị trường.
Suốt vài tháng qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục bán ngoại tệ, tăng lãi suất trên thị trường OMO để “ghìm” tỷ giá khiến kho dự trữ ngoại hối giảm đáng kể, song USD vẫn tiếp tục đà tăng.
Bài toán đặt ra lúc này là vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt để đạt được mục tiêu này. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục kêu gọi các NHTM bằng nguồn lực của mình, cắt giảm chi phí trong hoạt động và một phần lợi nhuận để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn như triển khai trong suốt 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19.
- Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng tăng nóng là do USD trên thế giới tăng giá và áp lực Fed tăng lãi suất, thanh khoản hệ thống trong nước không còn dồi dào.
Dù khẳng định tình hình chưa đáng ngại, song chuyên gia này cho rằng, trong tình hình hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa thể nới thêm room (lên trên 14%) do phải cân đối nhiều mặt, nhất là lạm phát và thanh khoản.
“Nhu cầu nới room của thị trường là có, song nếu nới room, có thể rơi vào quý IV/2022”, TS. Lực bình luận.
Bài toán khó nhất của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là phải vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế. Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt để đạt được mục tiêu này. Lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 liên tục tăng, song xét về góc độ tương đối trong tương quan với các nước đang có lãi suất tăng nhanh, thì có thể xem như Việt Nam đang giảm lãi suất điều hành, dù con số tuyệt đối không thay đổi.