Tỷ giá tăng và những tác động trái chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), tỷ giá tăng sẽ tác động bất lợi đến các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD và có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu. Ở chiều ngược lại, đồng Việt Nam yếu sẽ là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu ròng.
Tỷ giá tăng và những tác động trái chiều

Nhận định của bà trước diễn biến tỷ giá liên tục “chạm” các cột mốc mới?

Câu chuyện tỷ giá bắt đầu nóng lên từ đầu năm 2024 và tới nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi tỷ giá USD/VND liên tục tăng lên các cột mốc mới. Kể từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá 4,9% so với USD. Diễn biến bất lợi của tỷ giá một phần do chỉ số đồng USD (DXY) liên tục tăng trong những tháng đầu năm nay, đạt mức đỉnh 106,3 điểm trong tháng 4 (tăng 4% so với đầu năm), sau đó dần hạ độ cao xuống mức 105 điểm, song vẫn tăng 3% so với đầu năm. Đồng USD duy trì sức mạnh trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện, thị trường lao động ổn định, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ, bất chấp lạm phát vượt xa mục tiêu 2%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc giảm lãi suất khiến các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục tin vào sự mạnh mẽ của “đồng bạc xanh”.

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Khác với năm ngoái, áp lực tỷ giá năm nay phần lớn xuất phát từ yếu tố nội tại trong nước. Thứ nhất, chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tín dụng thấp đã đưa lãi suất xuống mức thấp trong quý I/2024, nới rộng khoảng chênh lệch với lãi suất USD, điều này đã thúc đẩy các hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ (carry-trade), đẩy nhu cầu USD trong nước lên cao.

Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu để chuẩn bị cho một chu kỳ sản xuất mới. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu đạt 148.7 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cuối cùng, yếu tố giá vàng trong nước và thế giới tăng vọt cũng làm tăng sức ép lên tỷ giá. Tuy nhiên, nhìn chung, xu hướng giảm của VND vẫn khá tương đồng so với các đồng tiền khác trong khu vực, chẳng hạn baht Thái giảm gần 7% từ đầu năm, ringgit Malaysia giảm gần 3%, yên Nhật giảm 11%…

Theo bà, tỷ giá tác động như thế nào đến các ngành kinh tế?

Nhìn chung, sự suy yếu của đồng Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn đầu tư gián tiếp (FII) trên thị trường chứng khoán, gây áp lực lên các nghĩa vụ nợ thanh toán bằng USD của cả khu vực tư nhân lẫn Chính phủ, đồng thời đẩy giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, gián tiếp ảnh hưởng đến mục tiêu về lạm phát.

Thực tế, lạm phát đã manh nha xu hướng tăng từ tháng 3/2024 và đạt 4,4% trong tháng 5/2024 - mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 trở lại đây. Bên cạnh đó, trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục bán ròng với tổng giá trị hơn 16.000 tỷ đồng kể từ đầu năm 2024, đây là giá trị bán ròng lớn nhất trong nhiều năm qua.

Rõ ràng, tỷ giá tăng sẽ có tác động bất lợi đến các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu (ví dụ bông vải, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, hóa chất, sữa bột, thức ăn chăn nuôi…). Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp đều có phương án bảo hiểm tỷ giá (hedging) nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi của tỷ giá. Ngoài ra, việc USD tăng cũng sẽ làm chậm kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh của một số doanh nghiệp, chẳng hạn doanh nghiệp vận tải biển có kế hoạch mua sắm đội tàu, doanh nghiệp hàng không mở rộng đội máy bay…

Ở chiều ngược lại, đồng Việt Nam yếu sẽ là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu ròng các mặt hàng như thủy sản, nông sản, đồ gỗ, đá nội thất, cao su, hóa chất…, cũng như các doanh nghiệp có hợp đồng neo theo USD như dịch vụ hàng không, cảng biển, logistics quốc tế… Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu như dệt may, sắt thép… không được hưởng lợi nhiều do chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu đã phần nào giảm bớt lợi thế.

Dù vậy, mỗi doanh nghiệp có mô hình kinh doanh riêng, nên trong cùng một lĩnh vực, mức độ hưởng lợi là khác nhau. Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất khẩu nhưng có khoản nợ vay bằng USD thì tác động tỷ giá tăng đôi khi sẽ ở chiều hướng bất lợi, hoặc doanh nghiệp hoạt động đa ngành thì mảng này bù lại mảng khác, giảm thiểu tác động của tỷ giá... Vì vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý mô hình kinh doanh cũng như báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp để đưa ra nhận định.

Dự báo tỷ giá từ nay đến cuối năm 2024 sẽ thế nào?

Sau buổi họp của Fed vào ngày 12/6 vừa qua, Chủ tịch Jerome Powell đã đưa ra nhận định rằng, lạm phát đã cải thiện hơn đáng kể cũng như số liệu thị trường lao động vẫn tích cực góp phần đưa đến kịch bản tăng trưởng kinh tế lạc quan. Thị trường quốc tế đã phiên dịch thông điệp của Fed và đưa ra dự báo về 1-2 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, với ưu thế nghiêng về 1 lần giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Kỳ vọng cắt giảm lãi suất sẽ đưa chỉ số DXY giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2024 và giảm áp lực lên tỷ giá.

Ở trong nước, cơ quan quản lý đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá như hút ròng tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng nhằm giảm chênh lệch lãi suất trên thị trường này, bán ngoại tệ theo hình thức giao ngay cho các tổ chức tín dụng nhằm cân bằng trạng thái ngoại tệ, tổ chức các phiên đấu thầu vàng trong bối cảnh giá vàng trong nước chịu áp lực tăng cao… Các biện pháp này đang dần có tác động tích cực. Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô ổn định trong 5 tháng đầu năm bao gồm: Thặng dư thương mại đạt 8 tỷ USD; dòng vốn FDI giải ngân tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ 7,8% so với cùng kỳ, ước đạt 8,2 tỷ USD; khách du lịch quốc tế tăng 65% so với cùng kỳ… sẽ là cơ sở vững chắc cho tỷ giá trong những tháng cuối năm.

Tỷ giá tăng tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Ông Bùi Hải Dương, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh vốn và tiền tệ, HSBC Việt Nam

Ông Bùi Hải Dương, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh vốn và tiền tệ, HSBC Việt Nam

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá tăng dẫn đến chi phí tăng để nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị… cũng như phát sinh lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá từ các khoản trả thanh toán hoặc nợ vay bằng ngoại tệ. Trong khi đó, do áp lực cạnh tranh, doanh nghiệp không dễ dàng tăng giá bán để bù đắp cho phần tăng từ chi phí.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá tăng giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ gia tăng doanh thu và lợi nhuận được tính bằng tiền đồng và có thể tạo lợi thế cạnh tranh thương mại. Tuy nhiên, hiện tại, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng phụ thuộc nhập khẩu nguyên vật liệu từ thị trường thế giới nên tỷ giá tăng cũng tạo rủi ro cho doanh nghiệp.

Đối với hoạt động ngân hàng, với tài sản nợ/có bằng ngoại tệ sẽ chịu rủi ro biến động tỷ giá, từ đó làm thay đổi các tỷ lệ an toàn vốn (chẳng hạn tỷ lệ CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, ngân hàng đều có trạng thái ngoại hối từ hoạt động mua/bán ngoại tệ với khách hàng và biến động tỷ giá có thể phát sinh lãi/lỗ cho ngân hàng.

Trong bối cảnh mức độ biến động của tỷ giá ngày càng tăng, cả doanh nghiệp xuất và nhập khẩu có thể xây dựng các kịch bản thích hợp dựa trên đặc thù kinh doanh của từng doanh nghiệp. Một chiến lược được hoạch định rõ ràng hàng năm sẽ giúp phòng ngừa biến động 2 chiều của tỷ giá, qua đó giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá đối với các khoản thanh toán/trả nợ hay giao dịch bằng đồng ngoại tệ, doanh nghiệp có thể thực hiện bằng các hợp đồng kỳ hạn/hoán đổi ngoại tệ, từ đó cố định được chi phí.

HSBC dự báo tỷ giá USD/VND duy trì áp lực tăng trong ngắn hạn đến từ việc USD tiếp tục giao dịch ở vùng giá cao và nhu cầu mua ngoại tệ tăng cao.

Lãi suất USD đang giao dịch ở mức cao hơn so với các ngoại tệ chủ chốt khác. Ngoài ra, thị trường quốc tế cũng như Fed chưa chắc chắn về thời điểm giảm lãi suất do dữ liệu về kinh tế, thị trường lao động và lạm phát ở Mỹ chưa như kỳ vọng. Kinh tế Mỹ mặc dù có những dấu hiệu suy yếu, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn cao hơn so với mức bình quân trong quá khứ. Thị trường lao động ổn định trong vài tháng gần đây. Lạm phát đang duy trì hơn 3% so với mục tiêu 2% của Fed. Đây sẽ là các yếu tố chính hỗ trợ cho sức mạnh của USD.

Dựa trên các dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, áp lực mua ngoại tệ từ hoạt động nhập khẩu tăng cao trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng từ sự phục hồi của nền kinh tế trong nước. Nhu cầu mua ngoại tệ từ nhà đầu tư nước ngoài diễn ra sau hoạt động bán ròng trên thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh thị trường ngoại hối biến động, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò điều tiết, giúp duy trì thanh khoản ngoại tệ trên thị trường ổn định. Các chính sách từ phát hành tín phiếu để tăng lãi suất tiền đồng, bán ngoại tệ giao ngay… đến can thiệp thị trường vàng đang được ứng dụng một cách linh hoạt. Các chính sách này cùng với các yếu tố cơ bản - thặng dư thương mại, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài khả quan… sẽ góp phần giúp ổn định tỷ giá trong thời gian tới. Thị trường tỷ giá USD/VND có thể hạ nhiệt trong giai đoạn cuối năm khi Fed có thể giảm lãi suất vào tháng 9/2024 theo dự báo của Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu HSBC.

Tin bài liên quan