Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB
Áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm còn lớn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ chưa dừng việc tăng lãi suất USD và lãi suất VND đã giảm khá sâu, thưa ông?
Mối liên hệ giữa tỷ giá và lãi suất rất chặt chẽ. Về lý thuyết, tiền ra thị trường nhiều sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và hút tiền về để giảm áp lực tỷ giá. Theo diễn biến của rổ tiền tệ chung trên thế giới, điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam rất chặt chẽ và xuất sắc. Tỷ giá tuy có tăng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và ở phạm vi hợp lý, vừa hỗ trợ cho xuất khẩu, vừa đảm bảo thu hút được dòng vốn đầu tư. Điểm cân bằng này không dễ kiếm được trong điều hành chính sách tiền tệ.
Nhưng sức ép bên ngoài lên tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn lớn?
Đó chỉ là các yếu tố bên ngoài, nhưng khả năng Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong thời gian tới. Còn các yếu tố nội tại vẫn tương đối tốt. Việc điều hành tỷ giá nằm trong tay của Ngân hàng Nhà nước. Hiện dự trữ ngoại tệ rất cao, cán cân thương mại toàn dương. Ở Việt Nam, nhu cầu bán ngoại tệ luôn cao hơn nhu cầu mua. Giờ muốn mua ngoại tệ đi du lịch, du học..., người dân có thể mua ngoại tệ ở ngân hàng, nên cũng không nên quan tâm đến USD trên thị trường tự do. Vấn đề ở chỗ là điều tiết tỷ giá cao hay thấp phụ thuộc vào chính sách.
Thực ra, tỷ giá giữ ở mức thấp cũng chưa hẳn đã tốt, nhất là không khuyến khích được xuất khẩu, bởi các đồng tiền trên thế giới đang mất giá so với USD. Nếu chúng ta cứ giữ VND ở mức cao thì chẳng khác nào tự đánh vào chân mình. Khi đó, hàng hóa xuất khẩu của các nước trong khu vực (Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc) sẽ rẻ hơn, nên hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh. Nhưng nếu để tỷ giá biến động quá lớn, sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn. Do đó, điều quan trọng là nhà điều hành điều tiết tỷ giá ở mức nào cho phù hợp.
Vậy theo ông, tỷ giá biến động trong biên độ bao nhiêu là phù hợp?
Theo tôi, mức biến động của tỷ giá thời gian qua là hợp lý, còn sức ép cuối năm cũng sẽ có nhưng tùy diễn biến của thị trường và các yếu tố bên ngoài. Hiện một số quốc gia bắt đầu thả nổi và ngày càng đánh giá thấp đồng nội tệ, song điều này lại kích thích xuất khẩu của họ tăng trưởng tốt.
Đối với Việt Nam, tỷ giá đã tăng, nhưng trong tầm kiểm soát của nhà điều hành. Để giảm áp lực tỷ giá, gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã tăng hút tiền qua kênh tín phiếu khi thanh khoản trên thị trường dồi dào, nhưng vẫn đảm bảo được mặt bằng lãi suất giảm để kích cầu tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế vào thời điểm cuối năm.
Fed dự kiến duy trì mặt bằng lãi suất cao thời gian tới. Điều này có làm tăng chi phí trả nợ vay đối với các ngân hàng có vay nợ từ các tổ chức tài chính ngoại?
Trước đây, tác động của Fed vào thị trường lãi suất, tiền tệ của thế giới rất lớn. Mỗi lần Fed tăng lãi suất, sẽ tác động lên cả thị trường tiền tệ thế giới. Nhưng khoảng một năm trở lại đây, việc Fed tăng lãi suất chỉ tác động nhiều đến thị trường Mỹ. Các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu tách ra độc lập với Fed. Vì thế, việc tăng lãi suất của Fed cũng không tác động nhiều đến lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính quốc tế.