Đồng USD vừa trải qua một tuần tăng sốc bất thường
Tỷ giá tăng, NHNN vẫn... im lặng
Tỷ giá USD vừa kết thúc một tuần tăng sốc khi vọt lên tới 120 -130 đồng/USD. Lãnh đạo các ngân hàng thương mại khẳng định, giao dịch ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường. Sự biến động của giá USD trong nước chủ yếu do giá USD trên thế giới tăng mạnh và do tâm lý đầu cơ, găm giữ USD để đợi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá. Một nguyên nhân nữa khiến USD trong nước “nổi sóng” là nhập siêu của nước ta hai tháng đầu năm tăng hơn 1,2 tỷ USD.
“Tất cả các yếu tố này đã gây sức ép nhất định lên tỷ giá”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Điều đáng ngạc nhiên là, trước đây, mỗi khi thị trường USD manh nha có sóng, NHNN lập tức lên tiếng trấn an. Nhưng lần này, NHNN không hề lên tiếng. Trước câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc phải chăng NHNN đang cân nhắc điều chỉnh tỷ giá, cả Phó thống đốc NHNN lẫn lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đều im lặng.
Sự im lặng của NHNN khiến dư luận băn khoăn và những tin đồn về điều chỉnh tỷ giá xuất hiện trên thị trường. Thực tế, đồng USD đang ở mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây và đà tăng vẫn chưa dừng lại. Tuyên bố chưa tăng lãi suất mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa đưa ra trong phiên họp giữa tuần qua đã hãm đà tăng của đồng bạc xanh, song về dài hạn, đồng USD sẽ còn tiếp tục đi lên, do dự báo Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 9 tới.
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, NHNN nên sớm lên tiếng để ổn định tỷ giá.
“Cần tái khẳng định định hướng của Chính phủ, NHNN là, năm nay tỷ giá không tăng quá 2% và NHNN sẽ thực hiện đúng. Một khi tâm lý thị trường trong nước ổn định, thì người ta sẽ không việc gì phải đẩy tỷ giá lên”, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến cáo.
Đồng tình ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Nếu NHNN lên tiếng kiên quyết giữ nguyên tỷ giá, thì có thể, “quả bóng” tỷ giá sẽ sớm xì hơi. Theo tôi, NHNN chưa cần điều chỉnh tỷ giá vì cung - cầu ngoại tệ hiện vẫn cân bằng”.
Chuyên gia chia ”phe”, thị trường cần thông điệp
Việc “neo” tiền đồng vào USD trong bối cảnh hàng chục quốc gia như Nhật Bản, Anh, Trung Quốc… chủ động phá giá đồng nội tệ đang tác động lớn đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh này, các chuyên gia đưa ra những ý kiến trái ngược nhau về việc có nên hay không nên điều chỉnh tỷ giá.
Nhóm phản đối điều chỉnh tỷ giá cho rằng, dự trữ ngoại hối đang dồi dào, cung - cầu ngoại tệ cân đối, hầu hết thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều thanh toán bằng USD và không phải đồng bản tệ nào cũng mất giá với USD. Ngược lại, nhóm ủng hộ điều chỉnh tỷ giá lại cho rằng, việc tiếp tục neo tiền đồng vào USD đẩy xuất khẩu Việt Nam vào tình thế khó khăn.
“Đồng USD tăng giá trong khi Việt Nam vẫn đang neo tỷ giá vào USD sẽ làm cho tiền đồng có nguy cơ lên giá so với nhiều đồng tiền của các nước đang là đối tác thương mại, làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam”, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương nhận định.
Dĩ nhiên, với dự trữ ngoại hối hiện nay, NHNN hoàn toàn có đủ khả năng để ổn định thị trường, song theo TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế, các nước chủ động phá giá đồng nội tệ đều không phải do mất cân đối về ngoại tệ, mà là để giữ thị phần xuất khẩu, bảo vệ thị trường nội địa do chính sách “làm nghèo hàng xóm” của những nước khác mang đến.
Rõ ràng, điều chỉnh hay giữ ổn định tỷ giá tại thời điểm này đều có mặt lợi và hại. NHNN ắt sẽ phải cân nhắc lợi, hại tổng hòa của nền kinh tế, trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù điều chỉnh hay không, NHNN cũng cần sớm đưa ra thông điệp. Trong trường hợp không điều chỉnh tỷ giá, NHNN nên có thêm biện pháp giảm thêm lãi suất để giúp doanh nghiệp tăng thêm sức cạnh tranh.