Nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển sang nắm giữ VND và trở lại mua ròng với khối lượng tăng mạnh so với tuần trước đó. Tỷ lệ trúng thầu giảm mạnh chỉ còn 16% trên thị trường sơ cấp do nhà đầu tư yêu cầu lợi suất cao hơn mức trần của KBNN. Dự báo lợi suất trái phiếu sẽ tăng trong tuần này.
Thị trường sơ cấp
Thị trường trái phiếu tuần từ 4 - 8/5 tiếp tục ảm đảm khi tỷ lệ trúng thầu giảm chỉ còn 16% trên tổng số 6.000 tỷ đồng gọi thầu. Trong đó, chỉ có 950 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm được phát hành ở mức lợi suất 7,52%/năm, tăng 10 điểm cơ bản so với phiên đấu thầu tuần trước, tỷ lệ trúng thầu là 95%.
Không có khối lượng trái phiếu 5 năm và 10 năm được phát hành do mức lợi suất thấp nhất mà nhà đầu tư đặt thầu cao hơn 45 - 50 điểm cơ bản so với mức lãi suất danh nghĩa mà Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẵn sàng chi trả.
Như vậy tính đến hết ngày 8/5, 79.415 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và Chính phủ bảo lãnh được đấu thầu thành công. Trong đó, có 65.466 tỷ đồng trái phiếu KBNN, 4.949 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội và 9.000 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Trong tuần, trên thị trường sơ cấp không đấu thầu tín phiếu chính phủ.
Tuần này, nguồn cung trái phiếu bị hạn chế, khi chỉ có KBNN phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu 5 và 10 năm, mỗi loại 1.000 tỷ đồng.
Thị trường thứ cấp
Trái ngược với thị trường trái phiếu sơ cấp, thị trường thứ cấp giao dịch khá sôi động với khối lượng giao dịch đạt 24.941 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với tổng khối lượng giao dịch trong sáu ngày làm việc trước kỳ nghỉ lễ, tăng tương ứng 25%. Giá trị giao dịch trung bình ngày đạt 4.988 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch thông thường (outright) đạt 14.007 tỷ đồng, chiếm 56% tổng giá trị giao dịch tuần. Khối lượng giao dịch mua bán lại (repos) đạt 10.933 tỷ đồng, chiếm 44%. Tỷ trọng giao dịch outright và repos dần có sự thay đổi khi outright không còn dẫn dắt thị trường như thường lệ, điều này có thể do tác động từ nguồn cung trái phiếu bị hạn chế trên thị trường sơ cấp.
Tuần qua, thị trường thứ cấp không có giao dịch trái phiếu kỳ hạn dưới 1 năm. Giá trị giao dịch trái phiếu từ 1 đến 3 năm chiếm 50% tổng giá trị giao dịch outright. Giá trị giao dịch của trái phiếu kỳ hạn từ 3 đến 5 năm, từ 5 đến 7 năm và trên 7 năm lần lượt đạt 15%, 23% và 12%.
Tuần từ 4 - 8/5, các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng khối lượng mua ròng lên đến 1.208 tỷ đồng thông qua các giao dịch outright và repos, tăng mạnh 56% so với tuần trước.
Theo Bloomberg, lợi suất trái phiếu tăng trong 3 phiên đầu tuần và giảm dần trong hai phiên cuối tuần. Kết quả, lợi suất không thay đổi đáng kể ở hầu hết các kỳ hạn so với ngày giao dịch 27/4, ngoại trừ kỳ hạn dài 15 năm, tăng mạnh 22 điểm cơ bản (xem bảng).
Thị trường mở
Tuần từ 4 - 8/5, thị trường mở ghi nhận 12.389 tỷ đồng giao dịch reverse repos được thực hiện và 6.933 tỷ đồng giao dịch reverse repos đáo hạn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành được 11.245 tỷ đồng tín phiếu, giảm 60% so với khối lượng tín phiếu phát hành của tuần trước kỳ nghỉ lễ. Trong đó, có 6.138 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, chiếm 50% tổng giá trị tín phiếu phát hành; 3.980 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 91 ngày, chiếm 32%; còn lại 9% là tín phiếu kỳ hạn 56 ngày, tương đương 1.126 tỷ đồng. Lợi suất của ba kỳ hạn tín phiếu phát hành trong tuần không thay đổi.
Trong tuần có 21.802 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, tính chung, NHNN đã bơm ròng 16.013 tỷ đồng trên thị trường mở.
Thị trường liên ngân hàng
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh khoảng 100 điểm sau đợt nghỉ lễ do thời điểm đầu tháng phải đáp ứng đủ mức dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, trong ngày cuối tuần, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá 1%, khiến lãi suất ngắn hạn VND giảm ở các kỳ hạn. Đóng cửa tuần, lãi suất các kỳ hạn tham khảo ở mức: qua đêm (3,5%/năm, +40 điểm), 1 tuần (3,6%/năm, không đổi), 2 tuần (3,9%/năm, +10 điểm), 1 tháng (4,2%/năm, không đổi).