USD tăng giá: Xuất khẩu có lợi, nhập khẩu bất lợi
Ngày 27/7 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản USD thêm 0,75%/năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ tư kể từ tháng 3/2022, tổng cộng 2,25%/năm, lên 2,25 - 2,5%/năm. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Fed có thể tiếp tục nâng lãi thêm 0,75% trong tháng 9.
Theo Công ty Chứng khoán Smart Invest, Fed tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát khiến USD lên giá, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu ròng như thủy sản, đồ gỗ, phân bón… hưởng lợi do có doanh thu bằng USD, nhưng những doanh nghiệp nhập khẩu bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có dư nợ bằng USD mà không có nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu sẽ bị lỗ tỷ giá.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi khi tỷ giá tăng, nhưng ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS lưu ý, nếu sản lượng giảm thì cái lợi đó không bù đắp được sự sụt giảm về doanh thu.
“Các doanh nghiệp như FPT là doanh nghiệp xuất khẩu công nghệ, chủ yếu cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, hay gia công phần mềm cho thị trường Mỹ, sẽ được hưởng lợi từ tỷ giá tăng. Doanh nghiệp thuỷ sản có thể không được hưởng lợi, bởi sản lượng khó tăng cao do đã đạt đỉnh xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022”, ông Kiên nói.
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước ghi nhận hơn 3,2 tỷ USD, tăng 36%, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong bối cảnh lạm phát và tồn kho thủy sản tại thị trường Mỹ đang ở mức cao, VASEP dự báo, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản có thể giảm tốc trong quý III/2022.
Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Đầu tư và Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Tân Việt đánh giá, biến động tỷ giá USD/VND từ đầu năm 2022 đến nay không lớn nên mức độ tác động lên các ngành không nhiều. Nhìn vào cán cân thương mại chung thì chênh lệch giữa bên được hưởng lợi và bị thiệt do tỷ giá là không đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2022 đến ngày 15/7, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 201 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 202 tỷ USD.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, với chính sách điều hành hiệu quả của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, biến động tỷ giá USD/VND ở mức thấp, phổ biến từ 1 - 2%, nên mức độ tác động đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không lớn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bằng ngoại tệ khác, nhất là đồng Euro, yên Nhật, bảng Anh, nhân dân tệ thì mức độ tác động lớn hơn, bởi các đồng tiền đó mất giá mạnh so với USD (doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt hại, còn nhập khẩu hưởng lợi).
Nguyên nhân chính khiến đồng Euro và yên Nhật mất giá mạnh so với USD được Công ty Chứng khoán Smart Invest chỉ ra là do Fed liên tục tăng lãi suất, giúp USD mạnh lên. Trong khi đó, Nhật Bản duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, còn châu Âu thì chậm trễ trong việc nâng lãi suất.
Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, Việt Nam kiểm soát tốt tỷ giá, cung - cầu ngoại tệ tương đối ổn, nên đồng Việt Nam chỉ mất giá hơn 2% so với USD, trong khi đồng tiền nhiều nước khác mất giá từ 3 - 14%.
Lưu ý gì khi đầu tư cổ phiếu?
Chia sẻ góc nhìn về tỷ giá với các nhóm cổ phiếu, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE cho biết, tỷ giá hiện tại có tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, bởi tỷ giá tăng sẽ giúp giá hàng hóa quy ra USD rẻ hơn trước, tăng tính cạnh tranh. Ngược lại, nhóm chịu tác động tiêu cực là các doanh nghiệp nhập khẩu, vì phải quy đổi từ VND sang USD để thanh toán, với giá trị thấp hơn.
Nhà đầu tư không cần quá quan tâm đến vấn đề tỷ giá, ngoại trừ cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà hoạt động thanh toán bằng một số ngoại tệ có giá giảm mạnh so với USD như đồng Euro, Nhân dân tệ, bảng Anh...
Do đó, việc đánh giá đúng nhóm ngành hưởng lợi hay chịu tác động từ tỷ giá sẽ quyết định không nhỏ đến hiệu quả đầu tư cổ phiếu. Trong đó, doanh nghiệp ngành thép nhập khẩu nhiều nguyên liệu và doanh nghiệp xây dựng nhập khẩu phụ kiện lắp ghép phục vụ công trình xây dựng là đối tượng chịu bất lợi rõ nét khi tỷ giá tăng.
Ngoài ra, USD tăng giá và lãi suất cho vay có khả năng tăng trong thời gian tới sẽ làm tăng chi phí tài chính của các doanh nghiệp đang có dư nợ bằng ngoại tệ.
Đối với doanh nghiệp, bà Linh khuyến nghị, những doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ, xuất khẩu ròng hay giá trị xuất nhập khẩu lớn nên phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để sử dụng các công cụ phòng ngự rủi ro như hợp đồng hoán đổi (swap), hợp đồng mua bán kỳ hạn, đồng thời đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho sản phẩm của doanh nghiệp cũng như thị trường mục tiêu.
Thực tế, tình hình lạm phát và tỷ giá trên thế giới đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Anh Ngọc Tuấn, một nhà đầu tư Fn đánh giá, biến động tỷ giá hiện nay gây bất lợi cho các doanh nghiệp vay nợ bằng USD do đang phải chịu lỗ chênh lệch tỷ giá, còn doanh nghiệp vay nợ bằng đồng Euro hay yên Nhật lại được hưởng lợi, nhưng hoạt động xuất khẩu vào châu Âu hay Nhật Bản bị thiệt, vì tiền thu về là đồng Euro hay yên Nhật.
“Doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động từ biến động tỷ giá theo những cách khác nhau. Do đó, thời điểm hiện tại, nếu nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhà đầu tư cần quan tâm đến câu chuyện này”, anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, Fed vẫn đang trong quá trình tăng lãi suất USD nhằm kiềm chế lạm phát, tỷ giá hối đoái có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, Việt Nam đang làm tốt công tác điều hành tỷ giá, dư địa chính sách vẫn còn, tiền đồng có sức đề kháng tốt, nhà đầu tư không nên quá lo lắng nếu trong danh mục có cổ phiếu bị ảnh hưởng bất lợi từ sự biến động của tỷ giá.
Bối cảnh vĩ mô đang cho thấy những tín hiệu lạc quan như kinh tế tăng trưởng tốt, FDI ổn định, nhiều ngành, lĩnh vực đã phục hồi gần như toàn bộ như trước đại dịch Covid-19. Đặc biệt, thị trường chứng khoán đã có mức chiết khấu lớn và đang có dấu hiệu tích luỹ đi lên.