Tỷ giá tăng, doanh nghiệp vay ngoại tệ đã có “kịch bản” đối phó

Tỷ giá tăng, doanh nghiệp vay ngoại tệ đã có “kịch bản” đối phó

(ĐTCK) Trên thực tế, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng thêm 1%, đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3% đã và sẽ có tác động lớn đến những DN có khoản vay bằng ngoại tệ, đặc biệt là bằng đồng USD. 

Tuy nhiên, các DN cho biết, đều đã có kịch bản đối phó để giảm thiểu tác động từ quyết định này.

Trong báo cáo phân tích mới đây, nhiều CTCK cho rằng, các DN có khoản vay ngoại tệ lớn như VOS, VNA, PVT, NT2… có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi tỷ giá tăng lên.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam - PVTran (PVT) cho biết, DN sẽ ít nhiều bị tác động bởi biến động tỷ giá trong thời gian qua. Tuy nhiên, PVT có thể kiểm soát được tác động này do các yếu tố đặc thù của DN.

Thực tế, nhiều khoản vay bằng ngoại tệ của PVT đã chuyển sang tiền VND từ 2 năm trở lại đây nên dư nợ ngoại tệ giảm đáng kể, từ 250 triệu USD (năm 2011) xuống còn 120 triệu USD và Công ty đặt kế hoạch mỗi năm trả 23 - 24 triệu USD. Ngoài ra, cước phí vận chuyển được PVT ký kết trong nhiều hợp đồng được quy định bằng đồng USD, nên có nguồn ngoại tệ thu về để thanh toán nợ.

Ông Phạm Việt Anh cho biết thêm, sau những diễn biến về tỷ giá, Tổng công ty đã chủ động tổ chức cuộc trao đổi với nhà đầu tư để để họ hiểu rằng, những biến động trên có tác động đến hầu hết DN, nhưng với PVT, mức ảnh hưởng là không đáng kể.

Với các khoản công nợ tại thời điểm cuối quý II/2015, trong đó nợ dài hạn là 3.600 tỷ đồng, theo đại diện PVT, là những khoản vay để mua tàu với lãi suất khá tốt nhờ sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí, có những thời điểm mức lãi suất là 0%. Còn đối với khoản vay Citibank có lãi suất cố định, dao động quanh mức 5%/năm.

“Chúng tôi đã lường trước được vấn đề biến động tỷ giá và đang từng bước kiểm soát câu chuyện này”, ông Việt Anh khẳng định.

Như vậy, đối với những DN vay ngoại tệ, nhưng có nguồn thu ngoại tệ bù đắp, sẽ ít bị ảnh hưởng khi tỷ giá USD/VND được điều chỉnh. Chẳng hạn, CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), mặc dù có khoản vay bằng ngoại tệ lớn, song nguồn thu của PVD hiện tại chủ yếu bằng đồng USD nên khá “yên tâm” khi tỷ giá được điều chỉnh.

Với ngành vận tải biển, phân tích của CTCK Maybank Kimeng mới đây cho thấy, diễn biến tỷ giá hiện nay nhìn chung đang gây bất lợi cho các DN nhóm này bởi các khoản vay bằng ngoại tệ, chủ yếu là bằng đồng USD khá lớn.

Theo Maybank Kimeng, các công ty vận tải biển có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân đang ở mức 0,87 lần, có công ty lên đến 3,7 lần. Các công ty có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao có thể kể đến là VOS (2,2 lần, trong đó tính tới thời điểm 31/12/2014 có gần 167 triệu USD vay nợ), VNA (3,7 lần, trong đó khoản vay ngoại tệ tính tới 31/12/2014 là gần 27 triệu USD)…

Việc nâng biên độ tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành thép. Lãnh đạo một DN ngành thép đang niêm yết trên HOSE cho biết, quyết định tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là hành động kịp thời để ứng phó với việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và lường trước việc Fed tăng lãi suất USD.

Xét ở mặt tích cực, việc này có lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đối với DN nhập khẩu về để sản xuất hàng nội địa sẽ gặp khó khăn hơn khi quy đổi từ tiền VND sang tiền USD để thanh toán.

Trong khi đó, ngành thép đang ở tình trạng nhập cao hơn xuất rất nhiều nên khó khăn là đương nhiên. Theo số liệu của Hiệp hội Kinh doanh thép, 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượng thép nhập khẩu đạt hơn 6,9 triệu tấn, với kim ngạch hơn 3,82 tỷ USD; trong khi xuất khẩu chỉ đạt hơn 1,2 triệu tấn với kim ngạch đạt hơn 873 triệu USD.

DN ngành thép cũng như một số ngành có nguyên liệu đầu vào nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn đang phải đối phó với hai vấn đề tỷ giá tăng và động thái siết dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại. Tất nhiên, những DN thép có hàng tồn kho lớn sẽ hưởng lợi khi nhập khẩu nguyên liệu giá thấp. Nhưng điều này là cá biệt.

Thực tế, các DN ngành này đang bị tác động hai chiều khi nhập nguyên liệu giá cao và áp lực từ làn sóng thép Trung Quốc tràn vào khi đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh khiến hàng Trung Quốc rẻ hơn đáng kể.              

Tin bài liên quan