Tỷ giá tăng chưa tác động gì tới xuất khẩu

Việc tăng tỷ giá vừa rồi không làm suy yếu tiền đồng, bởi VND đã được hỗ trợ tốt hơn bởi ngoại hối cân bằng hơn, cán cân thương mại được cải thiện, vốn FDI tăng trở lại.
Tỷ giá tăng chưa tác động gì tới xuất khẩu

Tỷ giá tăng, giảm trái chiều

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng của USD đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức điều chỉnh tăng lên 21.246 đồng trong ngày 19/6, sau một năm neo ở ở mức 21.036 đồng. Động thái này, theo các chuyên gia ngân hàng, sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và làm dịu cơn sốt nhẹ của tỷ giá hối đoái. Thế nhưng, chỉ được vài ngày sau, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại lại có xu hướng đi lên.

Giá mua và giá bán USD tại các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng trong những ngày qua. Cụ thể, Vietcombank niêm yết 21.300 - 21.370 đồng/USD (mua - bán) trong ngày 24/6, tăng 5 đồng/USD so với một ngày trước đó và giữ nguyên trong ngày 25/6. Agribank cũng tăng giá mua vào thêm 5 đồng và tăng giá bán ra thêm 15 đồng, lên mức 21.290 - 21.370 đồng/USD.

Trong khi đó, BIDV niêm yết giá USD ở mức 21.310 - 21.370 đồng/USD, giảm 10 đồng ở cả 2 chiều mua vào - bán ra so với ngày 24/6. Tương tự, VietinBank điều chỉnh giảm giá mua vào thêm 30 đồng xuống, mức 21.290 đồng/USD và giảm giá bán ra thêm 25 đồng, xuống mức 21.360 đồng/USD. Eximbank giảm giá USD cả 2 chiều mua - bán xuống 21.290 - 21.370 đồng/USD…

Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng nhích dần và cao hơn 25 - 35 đồng/USD so với tỷ giá niêm yết tại ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, giao dịch mua - bán USD kém sôi động.

Tuy tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại ngày 25/4 có phần ổn định hơn 2 ngày trước đó, nhưng vẫn được các nhà băng “neo” ở mức tương đối cao, gần đụng trần.

Theo lý giải của PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, tỷ giá tiếp tục có biến động theo chiều hướng tăng nhẹ sau khi NHNN điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỷ giá là do tâm lý kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh thêm 1% đã tác động lên tỷ giá hối đoái.

Ông Ngân cho rằng, việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá vừa rồi là cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu và theo tín hiệu của thị trường. Tuy nhiên, theo ông Ngân, NHNN phải kiểm soát chặt để tránh kỳ vọng rằng, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá nữa và giữ ổn định trong khung cam kết 2%. Mặt khác, việc điều chỉnh tỷ giá cũng cần linh hoạt, có thể tăng, có thể giảm, nhằm tránh hiện tượng đầu cơ.

Còn dư địa điều chỉnh?

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định, 1% tỷ giá vừa được điều chỉnh sẽ chưa tác động nhiều đến xuất khẩu. Điều này chỉ liên quan đến cung - cầu trên thị trường và phù hợp với sự trượt giá trong vài năm gần đây của VND. Còn việc điều chỉnh không liên quan đến thay đổi chính sách tỷ giá, vì 1% nằm trong biên độ NHNN đặt ra từ đầu năm.

“Tỷ giá có điều chỉnh biên độ thêm 1% cũng là phù hợp với mọi quan hệ kinh tế năm nay, nên vẫn còn dư địa, nhưng còn tùy thuộc vào động thái của NHNN và diễn biến thị trường. Theo tôi, tình hình thị trường hiện nay không còn giống như vài năm trước đây và cung - cầu ngoại tệ đang được xem là tiềm năng để dự trữ ngoại hối. NHNN đủ sức can thiệp tỷ giá và nếu có điều chỉnh cũng trong mức tối đa 2% như thông điệp NHNN đã đưa ra từ đầu năm nay, để hỗ trợ xuất khẩu”, TS. Lịch nói.

Một chuyên gia Ngân hàng HSBC thì cho rằng, khả năng NHNN điều chỉnh tỷ giá thêm 1% vào cuối năm vẫn có thể xảy ra, dù ngân hàng này nghiêng về quan điểm tỷ giá sẽ ổn định. Theo vị này, việc NHNN vừa tăng tỷ giá lên 1% không làm suy yếu tiền đồng. VND đã được hỗ trợ tốt hơn bởi ngoại hối vào Việt Nam cân bằng hơn trong năm 2013. Cán cân xuất khẩu cải thiện cũng như mức tăng trưởng nhập khẩu ít hơn. Nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng trở lại. Những dòng chảy này  giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối.

Theo một báo cáo mới đây của HSBC, nguyên nhân khiến tỷ giá nóng thời gian gần đây là do lãi suất tiền đồng giảm mạnh, dẫn đến cầu USD tăng do khoảng cách lãi suất giữa VND và USD bị thu hẹp. Thực tế, lãi suất tiền đồng tại các ngân hàng thương mại hiện nay chỉ ở mức 5 - 6%/năm cho kỳ hạn ngắn và còn 7 - 7,5%/năm kỳ hạn dài. Vì thế, dù nhận định việc tăng tỷ giá vừa rồi không ảnh hưởng nhiều tới tương lai của VND, song HSBC cảnh báo, sẽ có rủi ro nếu chính sách chuyển sang quá nới lỏng, vì như vậy sẽ khiến VND tiếp tục mất giá và lạm phát tăng cao.

Tin bài liên quan