Dự trữ ngoại hối 6 tháng đầu năm tăng thêm trên 10 tỷ USD

Dự trữ ngoại hối 6 tháng đầu năm tăng thêm trên 10 tỷ USD

Tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định

(ĐTCK) Trao đổi với báo giới cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình một lần nữa khẳng định thông điệp điều hành tỷ giá USD/VND ổn định trong năm 2014.

Nhắc lại thông điệp cũ, thị trường hơi bối rối

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định, với sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tâm lý người dân phần nào cũng đã ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối, thị trường vàng. Nhưng người dân cũng đã nhanh chóng được trấn an tâm lý và điều này thể hiện trên toàn hệ thống khi tiền gửi bằng ngoại tệ của người dân không tăng, thậm chí giảm. Trong khi đó, tiền gửi bằng VND vẫn tiếp tục tăng lên.

“Những ngày qua, tỷ giá lại điều chỉnh tăng, có những thời điểm sát với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo quan điểm của tôi, ngoài yếu tố tâm lý, chủ yếu do kỳ vọng của xã hội vào việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Thống đốc cho biết, nguồn cung ngoại tệ hiện vẫn hết sức dồi dào. 6 tháng đầu năm, cán cân thanh toán thặng dư trên 10 tỷ USD và Ngân hàng Nhà nước đã mua được 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối và như vậy, điều kiện khách quan để buộc phải điều chỉnh tỷ giá chưa có. Tuy nhiên, để có thể khuyến khích xuất khẩu và để VND không bị đánh giá quá cao, Ngân hàng Nhà nước  có thể sẽ xem xét điều chỉnh tỷ giá ở mức độ phù hợp.

“Chúng tôi cam kết rằng thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm. Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động điều chỉnh tỷ giá, nhưng mức điều chỉnh không quá 2%”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thực tế, thông điệp tỷ giá USD/VND được điều chỉnh với biên độ không quá 2% trong năm 2014 đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định từ đầu năm, nhưng tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra vào cuối tháng 4, Thống đốc cho biết, từ giờ đến cuối năm, tỷ giá tiếp tục ổn định, nếu có điều chỉnh thì chỉ trong biên độ 1%.

“Việc trong vòng một tháng, Thống đốc lại quay về với thông điệp điều hành tỷ giá đầu năm đã khiến thị trường hơi bối rối. Nhưng tình hình thực tế đã có những thay đổi, nên việc điều chỉnh lại mục tiêu điều hành tỷ giá là điều cần thiết”, Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng nhìn nhận.

Có yếu tố tác động đến tỷ giá, nhưng không đáng kể

Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ, hiện có 2 yếu tố tác động đến tỷ giá: thứ nhất, một số ngân hàng đang có trạng thái ngoại tệ âm; thứ hai, dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng. 5 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng tiền đồng rất khó khăn và Ngân hàng Nhà nước đã nới điều kiện cho vay ngoại tệ, khiến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã tăng nhanh hơn so với tiền đồng. Việc tăng dư nợ ngoại tệ nhanh phần nào gây áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, theo phân tích của tổng giám đốc một ngân hàng TMCP lớn, đó là hoạt động kinh doanh bình thường của các ngân hàng. Chúng ta cần nhìn vào chỉ số kinh tế vĩ mô, để có được cái nhìn dài hạn hơn, thay vì chạy theo thị trường ngoại hối khi lên xuống vài chục đồng.

Chưa phải lúc để điều chỉnh tỷ giá

Nhìn lại giai đoạn 2012 - 2013, Ngân hàng Nhà nước cũng có thông điệp rất rõ ràng là điều chỉnh tỷ giá tối đa không quá 2%, nhưng trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh không đáng kể, bởi cung - cầu ngoại tệ khá cân bằng. Thị trường đôi khi phản ứng hơi quá đà, lúc trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng âm thì vội vàng mua vào, nhưng vài ngày sau, khi nhận thấy thị trường không có biến động gì, các ngân hàng nhận thấy lợi nhuận nhiều hơn nên quay lại trạng thái âm ngoại tệ. Tình trạng này vẫn đang xảy ra như vậy trong vòng 2 năm nay.

“Diễn biến của thị trường ngoại tệ tuần trước cũng như vậy. Cung - cầu bản chất không có vấn đề gì. Chỉ có một vài công ty xăng dầu hỏi thăm các ngân hàng để mua một số lượng ngoại tệ kha khá, nhưng khi các ngân hàng chào mức giá quá cao, không công ty xăng dầu nào mua và chuyển sang vay. Thị trường lại êm và các ngân hàng lại tiếp tục bán ngoại tệ ra”, Giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng TMCP cho biết.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, thị trường cần nhìn vào dài hạn, bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ nhìn vào tổng thể cán cân thanh toán, cán cân vốn để điều hành tỷ giá và hiện chưa hề có dấu hiệu nhập siêu, căng thẳng giải ngân vốn đầu tư, nên không có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá lúc này. Nhất là khi Chính phủ vừa có những động thái hỗ trợ, trấn an tâm lý nhà đầu tư nước ngoài sau sự cố hồi tháng 5 thì không có khả năng phá giá tiền đồng để gây lo lắng một lần nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, lạm phát Việt Nam từ đầu năm đến nay khoảng 2%, cả năm dự đoán ở dưới mức dưới 5%, nếu so sánh với những nước có quan hệ thương mại rất lớn với Việt Nam thì mức chênh lệch khoảng 2-3%. Đây là cơ sở để thấy rằng,  trong trường hợp nếu có điều chỉnh tỷ giá tối đa lên 2% để phù hợp với chênh lệch lạm phát của Việt Nam và tổng thể với những nước đang có quan hệ thương mại với Việt Nam thì cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, việc điều chỉnh đó còn phụ thuộc rất nhiều vào cung - cầu ngoại tệ thực tế của Việt Nam.

“Sức cầu trong nền kinh tế vẫn thấp, nên có thể nhìn thấy, nhu cầu nhập khẩu không lớn. Việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nghỉ 2 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7, để bảo trì toàn diện có thể làm tăng nhu cầu nhập khẩu lên một chút, nhưng không có gì ghê gớm so với dự trữ ngoại hối lớn như hiện nay. Do đó, thời điểm hiện nay chưa phải lúc để điều chỉnh tỷ giá”, một tổng giám đốc ngân hàng nhận định.

Tin bài liên quan