Tỷ giá sẽ quay đầu vào cuối năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách Mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh của Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhận định, khả năng sẽ xuất hiện xu hướng giảm tỷ giá, kỳ vọng cuối năm nay sẽ ở mức 23.500 VND/USD.
Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách Mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh của Ngân hàng Shinhan Việt Nam.

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách Mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh của Ngân hàng Shinhan Việt Nam.

Lạm phát tháng 7/2023 của Mỹ tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước, vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% khiến Fed khó hạ lãi suất trong tương lai gần như kỳ vọng, thưa ông?

Lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản trong tháng 7/2023 của Mỹ đều chậm lại và chỉ tăng 0,2% so với tháng trước đã góp phần làm giảm căng thẳng, chưa đủ để chuyển hướng suy nghĩ của Fed. Lý do là giá năng lượng và ngũ cốc phục hồi đang dần cản trở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm, trong khi chi phí nhà ở tiếp tục tăng và còn cách xa mục tiêu của Fed.

Tất nhiên, với sự sụt giảm gần đây của các chỉ số việc làm và lạm phát, tính cấp thiết phải tăng lãi suất hơn nữa đã giảm bớt, nên rất có khả năng Fed sẽ hoàn thành việc tăng lãi suất ở mức 5,50%, nhưng viễn cảnh về cắt giảm lãi suất vẫn còn xa.

Ông nhận định thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm?

Lãi suất tại Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục giảm vừa phải trong nửa cuối năm. CPI nửa đầu năm là 3,3%, thấp hơn mục tiêu điều hành của Chính phủ là 4,5%. Trong bối cảnh giá cả trong nước ổn định và Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh các chính sách kích thích kinh tế, chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng tiếp tục được thực hiện trong nửa cuối năm,

Xét đến những lo ngại về suy thoái kinh tế trong nước và quốc tế, xu hướng giảm lãi suất được kỳ vọng vẫn hữu hiệu. Đặc biệt, khi xét đến khả năng chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất của Fed vào nửa cuối năm, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ khoảng 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành.

Thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tớí là gì?

Qua quá trình tự thanh lọc quyết liệt, giờ đây thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cần được bình thường hóa trở lại. Thị trường bất động sản đang là một vấn đề nhức nhối đối với sự phát triển cân bằng theo nhu cầu gia tăng tính minh bạch cho toàn xã hội. Theo tôi, nếu giải quyết được vấn đề này, nền kinh tế Việt Nam sẽ bước lên một tầm cao mới.

Ưu tiên của dòng vốn toàn cầu đang cho thấy sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Việt Nam. Ngoài lĩnh vực sản xuất, thì bất động sản, hạ tầng phát triển năng lượng cũng cần có sự hỗ trợ về cơ chế hơn nữa để có thể tiếp cận dòng vốn nước ngoài.

Cuối cùng, tôi cho rằng, động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vẫn đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Thời điểm này, cần phải có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ để có thể phá vỡ bức tường ngăn cách giữa các công ty trong nước và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu.

Theo ông, chính sách tiền tệ của Việt Nam còn dư địa nới lỏng và lãi suất sẽ giảm thêm?

Tháng 7/2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ tháng trước, tiếp tục xu hướng phục hồi. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lần lượt đạt 29,7 tỷ USD (giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước - ghi nhận mức giảm thấp nhất kể từ tháng 3 năm nay) và 27,5 tỷ USD (giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 15,2 tỷ USD.

Như vậy, các chỉ số kinh tế chính đều có xu hướng cải thiện so với tháng trước dựa trên sự phục hồi của xuất khẩu và ngành sản xuất. Đặc biệt, khả năng “hạ cánh mềm” của kinh tế Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ là nhân tố tích cực cho sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất trong thời gian tới.

Trong khi Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục nới lỏng chính sách dựa, thì lượng khách du lịch nước ngoài tăng và sự phục hồi ổn định của nhu cầu trong nước cũng là những điểm tích cực. Tuy nhiên, khả năng áp lực tăng giá trở lại vào nửa cuối năm nay do giá dầu và giá ngũ cốc tăng gần đây có thể trở thành gánh nặng cho việc kích thích và phục hồi kinh tế.

Xu hướng tỷ giá những tháng cuối năm sẽ ra sao, thưa ông?

Trong ngắn hạn, tỷ giá đang đe dọa mốc 24.000 VND/USD. Hiện tại, tôi cho rằng, mức độ mất giá của VND dần thu hẹp so với đồng tiền của các quốc gia châu Á khác, dù trước đó VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực. Với lãi suất thị trường thấp của Việt Nam, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ - Việt Nam ngày càng lớn, sự phục hồi của nhập khẩu sau khi sụt giảm đáng kể là những yếu tố đang gây áp lực tăng cho tỷ giá trên thị trường. Tuy nhiên, càng về những tháng cuối năm, với việc sản xuất toàn cầu phục hồi, tỷ giá hối đoái dự kiến ​​giảm trở lại, trung bình quanh mức 23.500 VND/USD trong quý IV/2023.

Tin bài liên quan