Không hy sinh lãi suất vì tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá trung tâm thêm 4 đồng, lên 24.249 đồng/USD trong ngày cuối tuần qua (14/6/2024). Các ngân hàng thương mại chỉ tăng nhẹ giá USD thêm 5 đồng, chẳng hạn Vietcombank niêm yết giá mua vào là 25.191-25.221 đồng/USD, bán ra là 25.461 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá “đồng bạc xanh” tăng thêm 30 đồng, mua vào ở mức 25.730 đồng/USD và bán ra ở mức 25.810 đồng/USD.
Tuy nhiên, so với tháng 2 và 3/2024, tỷ giá hiện đã giảm bớt áp lực và được cho là đã qua đợt “đỉnh” do giá vàng SJC đã “hạ nhiệt” sau khi NHNN đẩy mạnh bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới, chỉ còn chênh 6 triệu đồng/lượng. Chủ trương của NHNN là sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng chênh lệch này, qua đó hạn chế nguồn vàng lậu chảy vào Việt Nam, góp phần ổn định tỷ giá trên thị trường tự do cũng như tỷ giá niêm yết chính thức tại các ngân hàng, nhất là sau động thái bán ngoại tệ kìm chế đà mất giá tiền đồng của NHNN. Vì thế, tỷ giá được dự báo sẽ giảm dần vào cuối năm 2024.
Theo TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ giá sẽ không vượt qua ngưỡng 26.000 đồng/USD bởi khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
“Cho dù việc cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9 năm nay thì USD vẫn sẽ trong xu hướng giảm giá. Do đó, khi Fed cắt giảm lãi suất thì Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá”, ông Phước nói và cho rằng, USD sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến năm 2027 và chỉ số USD-Index chủ yếu dao động quanh ngưỡng 95-105 điểm (trong ngày 14/6/2024, chỉ số này đã lùi về sát mốc 105 điểm) mà không còn tăng cao hơn nữa. Lãi suất của Fed cũng được dự báo sẽ giảm xuống mức 2,75-3%/năm trong 3 năm tới, do đó VND nên mất giá ở mức độ xấp xỉ với tốc độ lạm phát, mặt bằng lãi suất cần xoay quanh mức CPI cộng với biên độ khoảng 3-4%.
Ông Abel Lim - Giám đốc Tư vấn và Chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB cũng cho hay, thời gian qua, đồng đô-la Mỹ đã mạnh lên, dẫn đến sự suy yếu của các đồng tiền châu Á, trong đó có đồng Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm của UOB là Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12. UOB cũng kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm 2024. Do đó, sức mạnh của đồng đô-la Mỹ sẽ giảm bớt trong những tháng tới và đồng Việt Nam sẽ giảm về mức 24.000 đồng/USD vào cuối năm 2024.
Còn ông Tống Quốc Đạt - Trưởng Phòng Phân tích thị trường cấp cao, Exness Investment Bank cho rằng, có thể USD sẽ không giảm mạnh như kỳ vọng. Lý do bởi, xét về tương quan, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh hơn nhiều so với châu Âu hay các quốc gia G7 khác. Ngoài ra, ngay cả khi Mỹ hạ lãi suất thì châu Âu cũng sẽ thực hiện điều tương tự, thậm chí với tốc độ nhanh hơn và thực tế là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chính thức hạ lãi suất chủ chốt xuống 3,75%/năm vào ngày 6/6/2024, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2019.
Cũng theo ông Đạt, nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2024 thì các chính sách về thuế quan, nhập cư có thể là yếu tố khiến lạm phát tăng trở lại và ảnh hưởng tới lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025, giúp USD vẫn có thể giữ vị thế cao chứ không hoàn toàn suy yếu.
Lãi suất khó tăng cao
Trong điều kiện hiện tại, giữ cho tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% nằm trong tầm tay của NHNN, quyết không để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho biến động của tỷ giá, đó là sự đánh đổi đắt giá nhất.
TS. Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra nhận định, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, đà phục hồi của xuất khẩu và tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Theo phân tích của ông Lực, nếu Mỹ giảm lãi suất trong thời gian tới, đồng nghĩa với sức tiêu thụ của thị trường này sẽ giảm và tác động trực tiếp đến các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Dù vậy, các động lực tăng trưởng đang phục hồi, dù không đồng đều. Nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên, rủi ro tài khóa (nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ…) ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ. Đồng thời, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, lãi suất được duy trì ở mức thấp, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát.
Thực tế, lãi suất huy động tại hầu hết ngân hàng đã nhích tăng trở lại, cá biệt có ngân hàng tăng gần 1%/năm so với trước đó. Tính đến đầu tháng 6/2024, mức lãi suất huy động cao nhất được ghi nhận ở mức trên 6%/năm, chủ yếu dành cho kỳ hạn dài và tập trung ở khối ngân hàng tư nhân nhỏ. Nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm tái tăng là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm 2024 khi lãi suất tiền gửi giảm thấp.
Chỉ số lạm phát gia tăng trong 5 tháng đầu năm 2024 cũng tạo sức ép lên lãi suất. Báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,05% so với tháng trước đó. Nếu so với tháng 12/2023, CPI tháng 5/2024 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.
Đi cùng với đó là tăng trưởng tín dụng nền kinh tế hồi phục, khiến nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn, chuẩn bị tốt thanh khoản đón cầu tín dụng gia tăng. Số liệu được đưa ra từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 25/3/2024, huy động vốn (gồm khu vực dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng gần 1,2%), trong khi tín dụng nền kinh tế tăng gần 1,4%.
Trước thực trạng tiền gửi dân cư chảy vào hệ thống chững lại, trong khi dư nợ tín dụng tại một số ngân hàng tăng trở lại, lãi suất tiết kiệm được dự báo sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm khoảng 0,5-1%/năm, nhưng đà tăng này sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi của toàn thị trường.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, để giảm áp lực tỷ giá, nhà điều hành phải tăng hút tiền qua tín phiếu trong thời gian qua, nâng lãi suất dần lên để hạn chế việc rút vốn của khối ngoại cũng như hiện tượng đầu cơ tỷ giá. Bởi theo ông Huân, nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô. Tỷ giá tăng, lạm phát sẽ quay trở lại cùng với nhiều yếu tố khác, nên việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ là xu hướng dài hạn. Tuy nhiên, trước mắt, do kinh tế phục hồi còn chậm nên Chính phủ và NHNN yêu cầu các ngân hàng nỗ lực cắt giảm chi phí để giảm thêm 1-2%/năm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ, hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh khó khăn. Do đó, khả năng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục duy trì nới lỏng để hỗ trợ kinh tế.
Cùng góc nhìn, TS. Trương Văn Phước cho rằng, trong điều kiện hiện tại, giữ cho tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% nằm trong tầm tay của NHNN, quyết không để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho biến động của tỷ giá, đó là sự đánh đổi đắt giá nhất. Bởi theo ông Phước, lãi suất giảm khi doanh nghiệp vô cùng khó khăn, nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp… vì thiếu đơn hàng do cầu thế giới và nội địa giảm, tiêu dùng giảm. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn nên cần thiết duy trì mặt bằng lãi suất thấp ít nhất từ nay đến cuối năm 2024.