Tỷ giá sẽ được kiểm soát trong biên độ 2%?

Tỷ giá sẽ được kiểm soát trong biên độ 2%?

(ĐTCK) Chỉ trong hai ngày sau kỳ nghỉ lễ, đồng USD đã tăng giá thêm 50 đồng. Dự báo được đưa ra, khả năng tỷ giá USD/VND vẫn được kiểm soát trong biên độ Ngân hàng Nhà nước cam kết, nhưng việc điều chỉnh 1% biên độ còn lại có thể được tiến hành sớm hơn.

Sau khi tăng mạnh 20 - 30 đồng/USD trong ngày 4/5, tỷ giá tiếp tục được các ngân hàng nâng thêm 10 đồng/USD trong ngày 5/5. Cụ thể, tỷ giá tại Vietcombank đang ở mức 21.610 – 21.670 đồng/USD trong chiều ngày 5/5, tăng 20 đồng so với ngày hôm trước. Mức này cũng được niêm yết tại DongA Bank trong chiều cùng ngày. Còn tại Eximbank, tỷ giá USD/VND được niêm yết ở mức 21.610 - 21.673 theo chiều mua vào – bán ra, tăng trên 25 đồng so với ngày trước đó… Như vậy, chỉ trong hai ngày sau kỳ nghỉ lễ, đồng USD đã tăng khoảng 50 đồng.

Trong khi đó, tại Sở giao dịch NHNN, tỷ giá niêm yết cho ngày hôm nay là 21.350 – 21.600 đồng/USD, không đổi so với những ngày trước đó. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.458 đồng. Như vậy, giá mua USD của các ngân hàng đang ngang mức mà NHNN bán ra, trong khi giá bán USD chỉ còn kém có 3 đồng so với mức trần cho phép.

Trong một báo cáo mới phát đi ngày 3/5, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã đưa ra nhận định tỷ giá sẽ tăng hết biên độ 2% mà NHNN định hướng trong năm nay. Theo báo cáo của VEPR, sức ép lên tỷ giá đến từ nhiều phía, trong đó có nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của doanh nghiệp nước ngoài, sự thu hẹp chênh lệch lãi suất bằng VND với lãi suất bằng USD, sự tăng giá USD toàn cầu có khuynh hướng chuyển tài sản đầu tư sang USD.

VEPR cho rằng, mức thâm hụt thương mại trong quý I/2015 không có tác động lớn, nhất là khi cán cân tổng thể vẫn thặng dư 2,8 tỷ USD. Luồng kiều hối hàng năm hơn 10 tỷ USD che giấu tình trạng thâm hụt của Việt Nam khi trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Nếu loại bỏ kiều hối thì thâm hụt thương mại có thể vượt qua thặng dư từ vốn FDI và FII, có xu hướng làm trượt giá VND. Tuy nhiên, với mức tỷ giá như hiện nay, dữ liệu về tỷ giá hiệu dụng thực tế (REER) khẳng định, VND đang bị định giá cao và mức độ cạnh tranh về giá của hàng hoá thương mại gặp bất lợi.

VEPR nhìn nhận, khả năng kiểm soát tỷ giá của NHNN với lượng dự trữ ngoại hối hiện có (khoảng 36,7 tỷ USD) và cán cân thanh toán vẫn thặng dư. Do đó, điều chỉnh tỷ giá (nếu có) sẽ rơi vào cuối quý IV. Quyết định lùi thời điểm tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sang tháng 9 đã làm giảm mức tăng giá của USD, dường như đã có những ảnh hưởng nhất định đến quyết định giữ tỷ giá của NHNN.

Mới đây, NHNN cũng đã đưa ra thông điệp tiếp tục cam kết kiểm soát tỷ giá trong biên độ 2% năm nay và chưa phải là thời điểm điều chỉnh tăng thêm biên độ tỷ giá.

Trong khi đó, nhận định được đưa ra từ một chuyên gia kinh tế cho rằng, trước sức ép tăng giá của đồng USD hiện nay tạo áp lực lên tỷ giá nên với biên độ điều chỉnh còn lại 1% khả năng sẽ phải thực hiện sớm hơn quý IV và khó loại trừ việc tỷ giá năm nay sẽ tăng cao hơn biên độ 2%.

Kể từ tháng 12/2014, tiền đồng đã tăng giá trong tương quan với nhiều đồng tiền khác, mặc dù giá tham chiếu có thay đổi, trong khi các đồng tiền khác bao gồm đồng euro và nhân dân tệ đều mất giá. Câu hỏi đặt ra là liệu hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam có mất năng lực cạnh tranh, nếu tỷ giá hối đoái danh nghĩa hữu dụng tiếp tục tăng giá? Các nhận định được đưa ra, nếu NHNN không đáp ứng kịp thời các điều kiện thị trường sẽ dẫn đến thanh khoản trong nước bị o ép. Vì thế, trước thực tế của thị trường thì NHNN phải linh hoạt để khuyến khích xuất khẩu. Một trong hai khả năng khi điều kiện này xảy ra. Thứ nhất, NHNN sẽ để cung cầu thị trường tác động đến tỷ giá USD/VND. Hai là cơ quan này sẽ phải bơm một lượng ngoại tệ vào hệ thống.

Ngoài ra, theo phân tích của các chuyên gia, một trong những lý do NHNN còn phải xem xét chính sách không tăng tỷ giá là để giảm việc giữ USD và vàng trong nền kinh tế. 

Trước sức ép tăng giá của đồng USD trên thị trường quốc tế, nhiều người lo ngại dòng vốn ngoại sẽ rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng theo đánh giá của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, từ đầu năm đến nay, đồng USD tăng giá quá cao, trong khi đó tỷ giá vẫn được kiểm soát ở biên độ NHNN đưa ra. Đó cũng là một trong những điểm được các nhà đầu tư tính toán.

“Nếu Fed tăng lãi suất các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bán USD ra để đầu tư vào các kênh đầu tư khác|, ông Andy Ho nói và cho rằng, một khi đồng USD có giá sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các thị trường đang có tiềm năng tăng trưởng, trong đó có Việt Nam.  

Tin bài liên quan