Tỷ giá nóng trở lại, lãi suất có bị cản đường hạ nhiệt?

0:00 / 0:00
0:00
Giá USD trong nước tăng trở lại 2 tuần qua trong bối cảnh đồng bạc xanh trên thế giới dần lấy lại phong độ. Diễn biến tỷ giá có thể sẽ gây áp lực phần nào tới lộ trình hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trong nước.
Việt Nam có nhiều lợi thế để ổn định tỷ giá, như xuất siêu ở mức cao, dự trữ ngoại hối và nguồn kiều hối lớn… Ảnh: Đ.T

Việt Nam có nhiều lợi thế để ổn định tỷ giá, như xuất siêu ở mức cao, dự trữ ngoại hối và nguồn kiều hối lớn… Ảnh: Đ.T

USD tăng giá, song sức ép tỷ giá không quá căng thẳng

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, USD bán ra tại các ngân hàng thương mại đã vượt mốc 24.000 VND/USD. Tính từ đầu tháng, tỷ giá USD/VND đã tăng 1,6%. Như vậy, sau một thời gian ổn định, USD đang có dấu hiệu tăng trở lại, cùng với xu hướng tăng giá của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới.

Chỉ số USD Index sau khi đạt đỉnh 114 điểm vào tháng 9/2022 đã hạ nhiệt sâu về mức 101 - 102 điểm trong tháng 1/2023. Suốt 2 tuần nay, USD liên tục đi lên trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. So với đầu tháng, USD Index đã tăng gần 3%.

Mặc dù tỷ giá đang tăng trở lại, song nhiều chuyên gia cho rằng, sức ép với tỷ giá sẽ không lớn như năm 2022.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), áp lực tỷ giá năm nay không quá lớn. USD dù sẽ có những giai đoạn hồi phục năm 2023, song không quay lại thời kỳ “đỉnh” của năm 2022, giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có cơ sở để ổn định tỷ giá, tăng lượng dự trữ ngoại hối.

“Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều lợi thế để ổn định tỷ giá, như xuất siêu ở mức cao, dự trữ ngoại hối và nguồn kiều hối lớn, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng khả quan…”, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.

Đang có nhiều ý kiến lo ngại Fed có thể tăng lãi suất 0,5% trong phiên họp tháng 3 tới. Song PGS-TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, nhiều khả năng, Fed chỉ tăng lãi suất thêm 0,25% trong phiên họp này và dừng việc tăng lãi suất vào phiên họp tháng 5/2023.

Chênh lệch lãi suất, tỷ giá giữa Việt Nam và Mỹ đang có khoảng cách lớn, trong khi VND mất giá khá lớn so với USD nếu tính từ đầu năm 2022. Do đó, theo PGS-TS. Phạm Thế Anh, khả năng VND mất giá thêm là rất thấp. Bên cạnh đó, thặng dư thương mại dự báo vẫn khả quan năm nay là yếu tố hỗ trợ rất tốt cho tỷ giá.

Các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trên thị trường ngoại hối. Theo đó, trong năm 2023, thặng dư thương mại có thể đạt 12 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư năm 2022. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm nay, thay vì mức 89 tỷ USD cuối năm ngoái. Theo đó, áp lực mất giá của VND sẽ giảm đáng kể từ quý II/2023 và VND có thể tăng 1-2% so với USD trong năm 2023.

Lãi suất vẫn có dư địa hạ tiếp

Theo các chuyên gia kinh tế, áp lực tỷ giá không quá lớn là điều kiện để mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm. PGS-TS. Phạm Thế Anh cho rằng, sức ép tỷ giá, sức ép lạm phát từ bên ngoài đều đang giảm, cho thấy lãi suất Việt Nam hoàn toàn có dư địa giảm thêm. Lãi suất hạ nhiệt không chỉ là tin vui cho doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ cho các thị trường tài sản, đặc biệt là chứng khoán, bất động sản.

“Doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vốn vay ngân hàng rất lớn, lãi suất cao sẽ làm đóng băng tất cả các thị trường, không chỉ thị trường bất động sản, mà sức khỏe của nền kinh tế sẽ yếu đi rất nhiều”, ông Phạm Thế Anh bình luận.

Theo chuyên gia này, giảm lãi suất nhanh hay chậm là do quan điểm của nhà điều hành trong việc bảo vệ tỷ giá hay lãi suất trong ngắn hạn. Những động thái gần đây của NHNN cho thấy, nhà điều hành dường như đang nghiêng về mục tiêu bảo vệ tỷ giá (hút tiền về để bảo vệ tỷ giá).

Trong 2 tuần qua, NHNN đã hút ròng hơn 50.000 tỷ đồng. Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, động thái này của NHNN nhằm đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn trước cuộc họp sắp tới của Fed. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường ngân hàng đã tăng vọt lên trên 6%, thay vì mức quanh 4% trước đó.

Công cụ lãi suất thường được NHNN sử dụng trong bảo vệ đồng nội tệ, chống lạm phát. Nhiều khả năng, NHNN sẽ quan sát thêm lạm phát tháng 2, tháng 3, cũng như diễn biến lãi suất của Fed thời gian tới, trước khi có động thái mạnh mẽ hơn để hạ nhiệt lãi suất. Chưa kể, việc duy trì mặt bằng lãi suất tương đối cao như hiện nay cũng có thể do nhà điều hành muốn duy trì mức độ chênh lệch hấp dẫn giữa VND và USD để tạo điều kiện thuận lợi tăng mua ngoại tệ dự trữ.

Lãi suất huy động ở mức 7-8%/năm là phù hợp.

- PGS-TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa kinh tế học (Đại học kinh tế quốc dân)

Trong những tháng tới, NHNN thành công trong việc mua vào tích trữ được ngoại tệ tương đối khá, chúng ta có thể kỳ vọng điều kiện của thị trường tiền tệ sẽ dễ chịu hơn, bởi việc mua vào ngoại tệ tạo nhiều dư địa hơn để hạ lãi suất VND. Khi mặt bằng lãi suất hạ xuống, triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ dễ chịu hơn, không chỉ đối với ngành bất động sản.

Theo tôi, với tình hình tỷ giá cũng như sức ép lạm phát trong năm nay, lãi suất huy động ở mức 7-8%/năm là phù hợp. Nếu lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ sụp đổ, phá sản.

Tin bài liên quan