Trái với mất mát của các nhà xuất khẩu, nhất là thủy, hải sản sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, khi đồng tiền của 2 thị trường xuất khẩu quan trọng này giảm giá mạnh so với đồng Việt Nam, thì với các nhà nhập khẩu lại tỏ ra vui mừng. Mừng bởi chi phí lãi vay đã giảm mạnh và đặc biệt là giá cả nhập khẩu nguyên phụ liệu rẻ đi bởi 2 loại ngoại tệ đã giảm giá khá mạnh so với USD, đồng tiền sử dụng chính trong các hợp đồng nhập khẩu.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, nếu việc giảm giá của đồng euro sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 bởi các quốc gia châu Âu nhập khẩu khoảng 28 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam, thì việc đồng euro giảm giá sẽ giúp các doanh nghiệp nhập khẩu giảm được chi phí nhập hàng, từ đó giảm giá bán tại thị trường nội địa.
1 đồng euro đang đổi được 1,04 - 1,05 USD, giảm 13% so với đầu năm và 24% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất so với đồng USD trong hơn thập kỷ qua, và mức giảm này ngày càng lớn khi chương trình mua trái phiếu QE của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra trong quý I/2015.
Ghi nhận trên thị trường thì nhà nhập khẩu ô tô từ khu vực châu Âu đang giảm giá bán xe. Chẳng hạn như Trường Hải, nhà phân phối chính thức xe Peugeot tại Việt Nam đã công bố giảm giá một loạt mẫu xe Peugeot từ 20 đến 240 triệu đồng. Một số thương hiệu xe nhập khẩu khác từ Công hòa Liên bang Đức, khi được hỏi cũng khẳng định, đồng euro giảm giá nên giá bán xe tại Việt Nam đang được giảm cho khách hàng.
Các nhà nhập khẩu mặt hàng thực phẩm cũng hưởng lợi nhiều khi đồng euro giảm. Tổng giám đốc Công ty Vissan, ông Văn Đức Mười cho biết, việc đồng euro giảm giá đã giảm được chi phí cho các mặt hàng nhập khẩu từ thị trường này để phân phối ở nội địa. Điều đáng nói là những loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà nhập khẩu dù đã chịu thuế, phí nhưng giá vẫn rẻ hơn thịt bò, thịt gà nội địa.
Còn với đồng yên Nhật, trước xu hướng trượt giá so với đồng USD cũng tác động tích cực lên các nhà nhập khẩu máy móc, sắt thép từ thị trường này. Không chỉ là các doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả với khu vực doanh nghiệp đầu tư từ Nhật Bản, vốn có lượng nhập khẩu máy móc, thiết bị rất lớn.
Mặc dù đồng yên Nhật giảm giá không phải là nguyên nhân duy nhất giúp khối các doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh tốt, nhưng theo khảo sát mới công bố của JETRO, 60% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đang kinh doanh có lãi, 70% số này đang có kế hoạch mở rộng quy mô.
Đó là với khối doanh nghiệp nhập khẩu, “niềm vui” khi đồng yên Nhật và euro giảm giá còn đến với các doanh nghiệp vay nợ bằng 2 đồng tiền này, đặc biệt trong lĩnh vực xi măng. ACBS trong báo cáo của mình cho biết, các doanh nghiệp xi măng có tỷ lệ vay bằng đồng euro cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất như các công ty có mã chứng khoán: HT1, BCC, BTS…
Với HT1, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh quý I/2015 tăng 318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do chênh lệch tỷ giá và giảm giá chi phí lãi vay. Còn với BTS, lãi ròng trong quý I/2015 đã cao kỷ lục 134,76 tỷ đồng, vượt luôn kế hoạch cả năm 2015 khi Công ty ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện lên tới 100,5 tỷ đồng trong quý đầu năm. Tương tự là BCC cũng có mức lãi ròng 126 tỷ đồng quý I/2015, gấp hơn 11 lần cùng kỳ năm 2014 và hoàn thành tới 95% kế hoạch cả năm 2015. Nguyên nhân cũng là nhờ hưởng lợi từ sự biến động của tỷ giá khi đánh giá lại tỷ giá cuối kỳ cho khoản vay có gốc ngoại tệ…
Tốc độ mất giá mạnh của đồng euro xuất phát từ sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ và được “tiếp sức” từ tác động của chương trình mua vào trái phiếu khổng lồ của ECB, khi khu vực này buộc phải kích cầu nhằm chống nguy cơ suy thoái và chống giảm phát. Trong báo cáo gần đây, Golman Sachs còn cho biết, đồng euro sẽ đạt điểm ngang bằng với đồng USD trong 6 tháng tới. Tức là đồng euro còn tiếp tục mất giá nữa.
Kinh tế Mỹ đang hồi phục nhanh chóng giúp lấy lại sức mạnh của đồng USD, các khu vực kinh tế khác đang phải nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Việc kiểm soát tỷ giá giữa hai đồng tiền VND và USD vô hình chung sẽ khiến đồng Việt Nam đã và sẽ tăng giá so với hầu hết các loại ngoại tệ khác. Với thực trạng như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các loại ngoại tệ khác ngoài USD sẽ bị thiệt hại, còn nếu xuất khẩu bằng đồng USD thì đang phải chịu một sức ép giảm giá xuất khẩu để cạnh tranh.
HSBC cho rằng, đồng VND tăng giá không chỉ so với đồng euro và yên Nhật, mà còn cả các đồng tiền của đối thủ cạnh tranh chính. Tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu từ EU, Nhật Bản và 4 nền kinh tế ASEAN giảm. “Điều này cho thấy đồng VND mạnh hơn đang ảnh hưởng tới lợi nhuận của các nhà xuất khẩu”, HSBC nhận định.