Tỷ giá USD/VND ít khả năng diễn biến sốc
2 ngày nghỉ cuối tuần qua chưa đủ sức ổn định tâm lý của giới đầu tư trước việc người dân Anh lựa chọn rời khỏi EU, do đó, trong 2 ngày đầu tuần, đồng bảng Anh (GBP) tiếp tục lao dốc, giảm xuống sát ngưỡng 1 GBP đổi 1,31 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1985. Giới chuyên gia tài chính đều đưa ra dự báo bi quan với triển vọng của đồng bảng Anh trong thời gian tới, trước nguy cơ dòng vốn tháo chạy khỏi quốc gia này, cũng như việc Ngân hàng trung ương Anh (BOE) sẽ thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
Theo phân tích của CTCK MayBank Kim Eng (MBKE), dù có nhiều cách diễn giải, thực tế thì tỷ giá toàn cầu đã có những biến động rất mạnh từ lúc Brexit thành sự thật. Diễn biến chung là USD đã mạnh lên rõ rệt so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới khi phần đông hơn nhà đầu tư cho rằng EUR và GBP sẽ suy yếu mạnh. Trong bối cảnh này, lo ngại về việc tỷ giá USD/VND chịu sức ép điều chỉnh lớn hơn ít nhiều có cơ sở.
Thực tế, trong 2 ngày đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD. Ngày 28/6, tỷ giá trung tâm tăng mạnh 22 đồng, lên mức 21.888 đồng/USD. Sau biến động Brexit, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại tăng nhẹ khoảng 20 đồng cả 2 chiều mua vào – bán ra. Bên cạnh đó, tỷ giá VND với EUR và GBP đều được điều chỉnh giảm mạnh.
Theo các chuyên gia tài chính, Brexit sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá VND/USD vì đồng bảng Anh mất giá thì rổ tiền tệ tham chiếu của Việt Nam sẽ giảm nhẹ, khiến VND tăng giá nhẹ so với đồng bảng Anh. Vì vậy, động thái đầu tiên của NHNN đối với Brexit được phản ánh vào tỷ giá trung tâm công bố trong 2 ngày đầu tuần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tỷ giá nếu có, sẽ từng bước nhỏ, không phải là một bước nhảy lên 0,5% hay 1% như trước đây.
Một phó tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank nhận định, trước mắt và trung hạn, tỷ giá sẽ không bị tác động nhiều, bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó có thể sớm tăng lãi suất sau Brexit.
Áp lực vẫn hiện diện
Một trong những yếu tố tác động tới tỷ giá trung tâm là cân đối vĩ mô tại Việt Nam. Tạm thời, yếu tố này chưa có nhiều ảnh hưởng. Tổng cục Thống kê cũng đã khẳng định, Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều từ Brexit do mức độ hội nhập chưa sâu rộng và NHNN đang theo dõi sát tình hình. Thế nhưng, áp lực tăng lên tỷ giá USD/VND nhiều khả năng diễn ra. Bởi sau Brexit, thị trường tài chính toàn cầu sẽ có nhiều diễn biến khó lường theo hướng tiêu cực. Từ đó, nhiều quốc gia sẽ tiếp tục phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu. Vì thế, khó tránh được việc tỷ giá USD/VND sẽ bị ảnh hưởng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên.
CTCK VCBS đưa ra đánh giá, sự kiện Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỷ giá. Bởi việc đồng EUR, GBP mất giá sẽ tạo ra bất lợi với đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn vào thị trường EU khi giá cả tương đối của các hàng hóa vào EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Thêm vào đó, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế châu Âu theo sau sự kiện “Brexit” kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU. Chưa kể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn hoặc thậm chí không tăng lãi suất sau khi Anh rời EU, khả năng nới lỏng chính sách ở Mỹ khó xảy ra.
Tuy nhiên, lãnh đạo của Eximbank nhận định, khó có thể lặp lại kịch bản từng xảy ra với tỷ giá sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, vì vấn đề Brexit đã được nhiều quốc gia dự báo trước và theo dõi sát, cũng như đã có sự chuẩn bị, trong đó có Việt Nam.
Diễn biến tăng giá của VND so với USD ba tuần vừa qua đi cùng nhịp với đồng tiền nhiều nước khác trên thị trường thế giới, xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu do quyết định của Fed tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6/2016. Tuy vậy, sau sự kiện Brexit vào thứ 6 cuối tuần trước, diễn biến trên thị trường tiền tệ thế giới được dự báo sẽ rất khó lường với sự lao dốc mạnh của đồng GBP và EUR so với USD và JPY. Điều này có thể sẽ khiến NHNN phải tính toán lại tỷ giá trung tâm theo hướng đảm bảo sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Anh và EU trong thời gian tới.