Điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định
Tỷ giá VND/NDT ngày 17/6 biến động nhẹ so với cuối phiên trước đó, phổ biến ở mức 3.375 đồng/NDT (mua) và 3.644 đồng/NDT (bán) tại đa số các ngân hàng thương mại. Tỷ giá NDT trên thị trường thế giới đứng ở mức 1 EUR đổi 7,7669 NDT, 1 USD đổi 6,9230 NDT và 1 bảng đổi 8,7167 NDT.
Tính riêng trong tháng 5/2019, NDT đã giảm giá khoảng 3% và là đồng tiền giảm giá mạnh nhất khu vực châu Á. Trước đó, trung tuần tháng 5/2019, khi NDT giảm qua ngưỡng 6,9 NDT đổi 1 USD, hàng loạt quan chức tài chính - ngân hàng Trung Quốc đã lên tiếng trấn an dư luận rằng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có đủ năng lực để giữ ổn định NDT.
NDT mất giá được cho là sẽ khó tránh áp lực lên tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nếu NDT mất giá khoảng 2% trở xuống thì chưa có tác động nhiều lên tỷ giá VND/USD, nhất là khi Trung Quốc nói phá giá NDT theo cung - cầu của thị trường thì khả năng là không có ý định phá giá nhiều. Mặt khác, Trung Quốc sẽ phá giá NDT trong nhiều lần, thay vì phá giá trong một lần với biên độ rộng.
Tỷ giá trung tâm sáng 17/6 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.069 đồng/USD, tăng 10 đồng so với cuối tuần qua. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày 17/6 là 23.761 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.376 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá VND/USD tăng nhẹ, Vietcombank niêm yết ở mức 23.265 - 23.385 đồng/USD (mua-bán), tăng 5 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm cuối tuần qua; tại BIDV là 23.280 - 23.400 đồng/USD (mua-bán), tăng 15 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm cuối tuần qua; tại Techcombank là 23.245 - 23.385 đồng/USD (mua-bán), tăng 5 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm cuối tuần qua.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, NHNN điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Thị trường ngoại hối tương đối ổn định, tỷ giá diễn biến bám sát điều kiện thị trường...
Khó tránh áp lực lên tỷ giá
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, khả năng Trung Quốc phá giá NDT là không cao. Một phần, Trung Quốc lo ngại sự rút vốn mạnh như đã xảy ra trong năm 2015. Đồng thời, Trung Quốc không muốn bị cho là thao túng tiền tệ, gây căng thẳng thêm trong căng thẳng thương mại. Trung Quốc vẫn kiên định tiến trình quốc tế hóa NDT.
Nhưng với những gì diễn ra hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới những biến động lớn trên thị trường ngoại hối quốc tế. Giá trị USD có xu hướng tăng lên, trong khi giá trị NDT và một số đồng tiền trong khu vực giảm. Những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế có thể tác động nhất định tới tỷ giá VND/USD.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín, việc phá giá NDT, như mọi khi, sẽ kéo theo các đồng ngoại tệ khác phá giá theo. Về góc độ vĩ mô, đối với các nhà xuất khẩu, khi các nước phá giá đồng tiền mà VND vẫn giữ giá hoặc tỷ giá tăng không cao thì có nghĩa VND bị tăng giá. Điều đó sẽ không có lợi cho xuất khẩu trong trung và dài hạn. Các nhà xuất khẩu nên chú ý đến sự biến động của tỷ giá, cũng như rủi ro khi tỷ giá tăng lên, phòng ngừa bằng cách mua các hợp đồng phái sinh để bảo vệ rủi ro tỷ giá.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế - tài chính, về trung và dài hạn, tỷ giá VND/USD phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng... Trong cách thức tính tỷ giá của NHNN, tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ gồm 8 loại tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY, CNY, SGD....
Ông Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN tiếp tục kiểm soát cho vay ngoại tệ với lộ trình phù hợp. Chủ trương của NHNN là chuyển dần quan hệ vay - mượn sang quan hệ mua - bán USD và kiên trì với lãi suất huy động USD chỉ 0% để giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Chủ động phòng ngừa khi NDT mất giá
Theo TS. Bùi Quang Tín, với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhất là khi NDT mất giá. Nếu các doanh nghiệp giao dịch với những quốc gia mà đồng ngoại tệ của họ không phải USD thì nên dùng đồng ngoại tệ đó hơn là USD để hợp đồng giao dịch không phụ thuộc vào USD.