Tỷ giá khó biến động trong mùa cao điểm cuối năm

PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, từ giờ đến cuối năm 2019, tỷ giá khó có thể biến động, vì “bóng” đã trong chân của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong câu chuyện kiểm soát tỷ giá hối đoái.
PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM).

PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM).

Nhận định của ông về tỷ giá trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm?

Theo tôi, tỷ giá từ giờ đến cuối năm khó có thể biến động, vì “bóng” đã trong chân của NHNN trong câu chuyện tỷ giá hối đoái. Năm 2019 là một năm mà NHNN có nhiều chìa khóa và thuận lợi để có thể giữ tỷ giá nằm trong biên độ cho phép, dù diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, nhân dân tệ mất giá.

Một trong những yếu tố đóng góp ổn định tỷ giá là năm nay, NHNN kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng khiến cung tiền nằm trong tầm kiểm soát. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng 9 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 8,64%, thấp vào hàng kỷ lục.

Thứ hai, dự trữ ngoại hối của Việt Nam lớn là một trong những vũ khí quan trọng chống đỡ cho tỷ giá hối đoái. Dự trữ ngoại hối đã đạt mức cao kỷ lục 71 tỷ USD và tính đến thời điểm này, NHNN đã mua ròng 6 tỷ USD. Việc sở hữu một mức dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ đảm bảo cho NHNN sử dụng một cách linh hoạt và hiệu quả các công cụ can thiệp trực tiếp, gián tiếp, nhằm điều chỉnh biến động tỷ giá theo các mục tiêu chính sách đã đề ra.

Một yếu tố quan trọng nữa là Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay nằm trong mức mà Chính phủ đã cam kết với Quốc hội. Tất cả những yếu tố này, theo tôi, chính là bằng chứng và cơ sở để cho rằng, từ nay đến cuối năm, tỷ giá hối đoái sẽ nằm trong vùng biên độ ổn định.

Vậy theo ông, xu hướng tỷ giá hối đoái trong năm tới sẽ ra sao?

Quan trọng nhất với chính sách tiền tệ Việt Nam là NHNN ưu tiên ổn định tỷ giá. Tính đến thời điểm này, tỷ giá USD/VND tăng chưa đến 2%, là một diễn biến hết sức ổn định trong bối cảnh tỷ giá của các đồng tiền chính yếu liên tục biến động mạnh. NHNN cũng đang nắm trong tay rất nhiều lợi thế của việc giữ ổn định tỷ giá từ nay cho đến hết năm 2019. Hơn nữa, như đã phân tích, lãi suất VND đang ở mức khá cao so với các đồng ngoại tệ, đặc biệt là USD.

Những điều trên đã khiến cho NHNN có một khoảng không gian chính sách đủ lớn để có thể sử dụng các công cụ chính sách nhằm giữ ổn định tỷ giá. Vì vậy, những bước đi chính sách về điều hành tỷ giá hối đoái lúc này là hết sức phù hợp để chuẩn bị trước cho các kịch bản thương chiến leo thang và mang theo các diễn biến phức tạp lên nền kinh tế Việt Nam, mà tỷ giá sẽ là một kênh truyền dẫn các cú sốc một cách trực tiếp. Hành động trước trong lúc tình thế thuận lợi sẽ chủ động và có nhiều ưu điểm hơn.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục giảm lãi suất USD thời gian qua và dự báo chưa chấm dứt trong thời gian tới sẽ hỗ trợ tích cực cho tỷ giá hối đoái, thưa ông?

Các tác động của Mỹ về chính sách tiền tệ đều truyền dẫn vào nền kinh tế Việt Nam thông qua một số kênh, trong đó quan trọng nhất theo tôi chính là kênh tâm lý. Người dân Việt Nam thường bị tác động bởi tâm lý của thị trường. Còn đối với những kênh như giá dầu, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hoặc các kênh trực tiếp khác thì khá yếu.

Yếu tố chính là các nhà đầu tư trong nước nhìn nhận động thái của Chính phủ Mỹ, động thái của các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Từ đó, các nhà đầu tư nhìn đến hành vi của các quỹ đầu tư, thị trường trong nước. Vì thế, phản ứng chính sách mới đây của Chính phủ Mỹ là một điều dễ hiểu, không gây bất ngờ cho thị trường. Các bước đi của Fed trong thời gian qua cũng khá thận trọng trong các đợt cắt giảm lãi suất cơ bản của USD.

Có nghĩa, thị trường đã dự đoán được các đợt cắt giảm lãi suất của Fed?

Đúng vậy, hầu như trước các đợt cắt giảm lãi suất, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã đưa ra thông điệp cho thị trường. Vì vậy, diễn biến của thị trường cũng khá điềm tĩnh khi Fed cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2019. Điều này giữ tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, theo tôi, việc Fed cắt giảm lãi suất trong thời gian qua và kể cả tới đây sẽ là yếu tố tích cực tác động lên tỷ giá, song cũng không hẳn đã tác động nhiều đến tỷ giá hối đoái.

Tin bài liên quan