2016 được dự báo là một năm có nhiều bất ổn trên thị trường tài chính thế giới

2016 được dự báo là một năm có nhiều bất ổn trên thị trường tài chính thế giới

Tỷ giá hạ nhiệt, áp lực vẫn lớn

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, tỷ giá sau Tết tăng nhẹ do một số ngân hàng mua USD nhằm giảm trạng thái ngoại hối âm trước Tết, khi lãi suất tiền gửi VND giảm do thanh khoản tốt hơn. 

Bên cạnh đó, nhu cầu mua thanh toán của các DN cho nhu cầu thanh toán cũng tăng nhẹ, tuy nhiên thanh khoản trên thị trường khá tốt.

Chính vì vậy, tỷ giá trên thị trường vẫn có biến động theo xu hướng giảm nhẹ. Theo Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên nhân là do nguồn cung khá tốt (như kiều hối), trong khi cầu ngoại tệ nhập khẩu giảm (do yếu tố mùa vụ).

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 765 triệu USD trong tháng 1/2016, ngược lại với mức nhập siêu 563 triệu USD của tháng trước và 612 triệu USD của tháng 1/2015.

"Cầu nội địa của Việt Nam đang phục hồi và nhiều khả năng sẽ đẩy nhập siêu tăng lên trong năm 2016" - ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối Ngân hàng HSBC Việt Nam.

Mặc dù vậy, Ủy ban Giám sát khuyến cáo: “Áp lực lên tỷ giá trong năm 2016 là khá lớn do khả năng tăng giá của đồng USD khi nền kinh tế Mỹ khởi sắc, trong khi đồng nhân dân tệ nhiều khả năng tiếp tục phá giá để duy trì xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng việc làm của nền kinh tế Trung Quốc”.

Đồng quan điểm này, ông Khoa phân tích thêm, thị trường tài chính và ngoại hối thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu và Nhật tiếp tục áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, trong khi ngân hàng trung ương Mỹ đã bắt đầu tăng lãi suất.

Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc nên Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và có khả năng tung ra gói kích thích kinh tế. Do đó, đồng nhân dân tệ sẽ nhiều khả năng tiếp tục suy yếu so với USD.

“Tuy nhiên, điều này sẽ làm cho dòng vốn đầu tư có khả năng tiếp tục chạy ra khỏi Trung Quốc và làm trầm trọng thêm việc mất giá của đồng nhân dân tệ. Đây chính là khó khăn và thách thức mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang phải đương đầu”, ông Khoa nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Khoa cho biết thêm, cầu nội địa của Việt Nam đang phục hồi và nhiều khả năng sẽ đẩy nhập siêu tăng lên trong năm 2016. Luồng vốn đầu tư gián tiếp chảy mạnh vào Việt Nam trong những tháng gần đây sẽ chỉ tiếp tục nếu quá trình cổ phần hóa các DN quốc doanh được làm quyết liệt và thực chất. Năm 2016 được dự báo là một năm có nhiều bất ổn trên thị trường tài chính thế giới và diển biến thị trường trong tháng 1 vừa qua đã phần nào phản ánh bức tranh của năm 2016.

Ông Khoa nói: “Trước những khả năng diễn biến như vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần thận trọng theo dõi những diễn biến trên thị trường trong nước và thế giới, các chính sách của các ngân hàng trung ương khác có khả năng ảnh hưởng đến tỷ giá, qua đó có những chính sách và điều chỉnh thích hợp để có thể ổn định tỷ giá và góp phần thúc đẩy xuất khẩu, phát triển kinh tế”.

Bên cạnh đó, liên quan đến câu chuyện áp lực tỷ giá, một vấn đề cũng cần được đề cập tới đó là ngay từ đầu năm 2016, NHNN đã áp dụng chính sách tỷ giá trung tâm, một chính sách tỷ giá linh hoạt nhằm đáp ứng tốt hơn các biến động khó lường của thị trường tiền tệ và thương mại quốc tế năm 2016.

Tỷ giá trung tâm của NHNN dựa trên nhiều yếu tố, ví dụ biến động của các cặp tiền tệ chủ chốt trong thương mại và đầu tư với Việt Nam trên thị trường thế giới, cung cầu USD/VND trên thị trường nội địa, tỷ giá trung tâm đóng vai trò định hướng cho thị trường.

“Tỷ giá thực tế phản ánh nhu cầu mua bán của thị trường, của DN tại một thời điểm nhất định và có thể thay đổi liên tục do cung cầu và cả yếu tố tâm lý thị trường”, ông Khoa nói.

Ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc OCB cho biết: “Năm 2015, các DN đã có những bài học liên quan đến biến động tỷ giá, cho thấy không thể chủ quan. Các DN phải hiểu rõ cơ quan quản lý không thể bao cấp, bao bọc mãi mà tự mình phải nâng cao nhận thực về rủi ro và kiên quyết hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng tránh rủi ro về tỷ giá, biến các biện pháp này thành chính sách của DN”.

Ngày 23/2/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm các quy định của NHNN và các quy định khác của pháp luật về mua bán ngoại tệ, niêm yết tỷ giá và giao dịch trên thị trường ngoại tệ, quản lý ngoại hối… Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Cuối tuần trước, NHNN đã điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm của VND với USD, áp dụng cho ngày 26/2/2016 là 21.899 đồng, đảo chiều giảm 4 đồng so với ngày trước đó.

Theo đó, sau 3 phiên tăng liên tiếp, tỷ giá trung tâm đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng ngày 26/2 là 22.556 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.242 đồng/USD.

Đồng thời với đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại vẫn tiếp đà giảm mạnh. Sáng ngày 26/2, tỷ giá được giao dịch tại Vietcombank ở mức 22.290 - 22.360 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 5 đồng so với chốt phiên cuối ngày hôm trước.

Tại VietinBank, tỷ giá giảm 30 đồng, mua vào - bán ra ở mức 22.280 - 22.350 đồng/USD; BIDV giao dịch ở mức 22.300 - 22.370 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày trước đó.

Tin bài liên quan