Việc nới biên độ tỷ giá sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong mua bán ngoại tệ. Ảnh: Đức Thanh
Tăng tới 7%, tỷ giá có dừng lại?
Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay từ mức +-3% lên mốc +- 5%, đồng thời tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm. Ngay lập tức, giá bán USD trên thị trường chạm mốc 24.500 đồng/USD, tăng 7% so với đầu năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nguyên nhân khiến NHNN phải điều chỉnh tỷ giá là do USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua, các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh lên tới 30-40% so với USD (yên Nhật, euro, bảng Anh…). Bên cạnh đó, cán cân vãng lai đang chịu sức ép lớn do cán cân dịch vụ thâm hụt lớn, cán cân tài chính đang trong trạng thái yếu (vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp có biểu hiện rút ra). Trong bối cảnh này, điều chỉnh tỷ giá hối đoái để cân bằng cung cầu là cần thiết.
Mặc dù NHNN đã rất nỗ lực trong giữ bình ổn tỷ giá suốt 9 tháng đầu năm, song những tuần gần đây, tỷ giá trên thị trường liên tục tăng kịch trần trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục bị rút ra. USD ngày càng trở nên khan hiếm, trong khi cầu ngoại tệ có thể sẽ tăng mạnh cuối năm. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối cũng giảm đáng kể sau một thời gian NHNN bán ra can thiệp thị trường.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, so với các quốc gia khác, tiền đồng vẫn trong nhóm ít mất giá nhất so với USD. Việc nới biên độ tỷ giá sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong mua bán ngoại tệ, không bị rơi vào tình trạng “lách luật”. Đồng thời, nới biên độ tỷ giá khiến người dân giảm mua vào, tăng bán ra, giúp thanh khoản ngoại tệ ngân hàng dồi dào hơn.
“Quan trọng nhất là nâng biên độ tỷ giá giao ngay sẽ giúp mua bán USD thuận lợi hơn, làm triệt tiêu nguy cơ đầu cơ. Bởi nếu giữ nguyên biên độ hiện tại thì chênh lệch giá USD chợ đen và USD chính thức tăng cao, khiến tình trạng đầu cơ ngoại tệ phát sinh”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá, lạm phát rất lớn như hiện nay, thì việc NHNN nới biến độ tỷ giá là cần thiết. Đây cũng là cách để một phần giảm áp lực với tỷ giá, tìm điểm cân bằng mới thích hợp hơn cho tỷ giá và góp phần cho chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động hơn.
“Nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà NHNN thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác, cũng như trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất”, TS. Võ Trí Thành nhận định.
Trước đó, để ổn định tỷ giá, NHNN đã dùng biện pháp như: sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay… Việc nới biên độ này nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, ở chừng mực nhất định, giúp cân bằng được tất cả các chiều cạnh để tác động không quá tiêu cực tới nền kinh tế.
Việc tỷ giá tăng tới 7% từ đầu năm đến nay nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, ngay cả các dự báo bi quan nhất. Giới chuyên gia nhận định, áp lực với tỷ giá sẽ còn tăng nếu Fed vẫn tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, dự kiến kéo dài đến tận năm 2023.
Nền kinh tế bị tác động đến đâu?
Tỷ giá tăng mạnh đương nhiên sẽ tác động nhiều chiều đến tình hình kinh tế trong nước, bao gồm cả nhập khẩu, xuất khẩu, lạm phát, lãi suất, vay nợ nước ngoài, vốn đầu tư gián tiếp, thị trường chứng khoán…
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, về nguyên tắc, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu, cũng như các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, xét về tổng thể, chính sách tỷ giá vừa qua được NHNN điều hành mềm dẻo, hài hòa lợi ích của các bên liên quan, hỗ trợ tích cực cho chính sách lãi suất hiện nay.
Riêng với doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn ngoại tệ lớn, TS. Ánh cho rằng, mức độ tác động là rất lớn, bởi USD mạnh lên sẽ kéo chi phí lãi vay lẫn giá trị nợ gốc đều tăng khi quy ra tiền đồng, nhất là với các doanh nghiệp vay với lãi suất thả nổi. Tình trạng này chỉ có thể kết thúc khi Fed sẽ chuyển từ trạng thái “thắt chặt chính sách tiền tệ” sang “bình thường hóa chính sách”.
Không phủ nhận việc VND mất giá hơn trước sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, nhất là lạm phát, lãi suất, TS. Võ Trí Thành cho rằng, VND mất giá quá nhiều sẽ chuyển một phần vào chỉ số giá, đẩy lạm phát và lãi suất đi lên. Với xuất khẩu, nếu tỷ giá không đủ linh hoạt, cũng rất khó cạnh tranh. Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam dựa rất lớn vào nhập khẩu, nên nếu VND mất giá nhiều, thì xuất khẩu cũng chưa chắc được lợi. Đó là chưa kể vấn đề nợ quốc gia…
Thế nhưng, mức độ nới biên độ tỷ giá như hiện nay, theo TS. Thành, đã nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều cạnh (lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền đồng, USD…). “Cách của NHNN là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các chiều cạnh của nền kinh tế để giảm các tác động tiêu cực, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu, mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát”, TS. Võ Trí Thành bình luận.
Áp lực từ “tảng băng chìm” thanh khoản, lãi suất
Ngoài áp lực tăng giá của đồng bạc xanh và lộ trình tăng lãi suất của Fed, nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN phải nới biên độ tỷ giá và tăng tỷ giá trung tâm một phần còn để đối phó với áp lực lãi suất.
Từ cuối tháng 9/2022 tới nay, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường liên tục tăng phi mã. Lãi suất kỳ hạn cao nhất trên thị trường đã vượt 9%/năm. Nguồn gốc là thanh khoản hệ thống không còn dồi dào, cung tiền ít đi, một lượng lớn giấy tờ có giá đến kỳ đáo hạn, xu hướng đảo ngược của dòng vốn ngoại, lượng tiền lớn bị “kẹp” trong chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu. Việc tăng tỷ giá sẽ kìm hãm bớt đà tăng của lãi suất.
“Nếu không có sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái, lãi suất hiện nay có thể phải tăng cao hơn nữa và như vậy cộng đồng doanh nghiệp trong nước sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì gánh nặng lãi suất, chi phí tăng cao”, TS. Vũ Đình Ánh nhận xét.
Mặc dù mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp hơn thời điểm trước dịch bệnh, song trong bối cảnh sức chống chịu của doanh nghiệp giảm đi, lãi suất tăng thêm sẽ khiến doanh nghiệp khó phục hồi. Chưa kể, hiện nay, hầu như các kênh huy động vốn chính thức đều rất khó khăn: ngân hàng cạn room, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng khi thông tin tiêu cực ngày càng gia tăng.
Chính vì vậy, bên cạnh điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục linh hoạt, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng có giải pháp để giải tỏa thanh khoản cho thị trường trong khi chờ đợi ngân hàng thương mại được cấp thêm room tín dụng (năm 2023), doanh nghiệp mạnh dạn phát hành trái phiếu trở lại.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chỉ số cung tiền (M2) giảm mạnh 2 quý gần đây, có thể thấy, dòng tiền lưu thông trên thị trường đang bị chậm lại. Để gỡ khó cho thanh khoản, khai thông dòng vốn, cần phải lấy lại niềm tin cho thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Khóa vòi tín dụng là giải pháp quan trọng bậc nhất
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia |
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.
Trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện hàng loạt chính sách để bình ổn thị trường như: bán hối phiếu NHNN, sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, mua bán ngoại tệ, tăng lãi suất…
Tuy vậy, trong tất cả các giải pháp, tôi cho rằng, biện pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát cung tiền. Nếu tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm, nhưng tỷ giá sẽ tăng mạnh hơn.
Do đó, “khóa vòi tín dụng” là giải pháp quan trọng nhất để ghìm tỷ giá, lãi suất.
Tìm điểm cân bằng mới cho tỷ giá
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế |
Mức nới biên độ tỷ giá như hiện nay nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều cạnh (lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền đồng, USD…).
Cách của NHNN là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các chiều cạnh của nền kinh tế để giảm các tác động tiêu cực, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu, mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát.